NHO HẠ ĐEN - HƯỚNG ĐI MỚI TRONG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP SƠN LA
Lượt xem: 770

          Những năm trở lại đây, mô hình trồng nho hạ đen được nhiều hộ dân các nhà vườn và hợp tác xã tại các huyện Sông Mã, Mai Sơn, Mộc Châu, thành phố Sơn La lựa chọn đưa vào trồng vì đây là cây trồng mới, đem lại giá trị kinh tế cao. Để đánh giá tính thích ứng của cây nho Hạ đen tại tỉnh Sơn La và xây dựng được quy trình trồng, chăm sóc, thu hái nho Hạ đen theo hướng hữu cơ là cơ sở khoa học trong việc hình thành vùng trồng nho gắn với phát triển du lịch, năm 2020, Trường Cao đẳng Sơn La chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng xây dựng mô hình trồng Nho giống mới chịu hạn (giống Hạ đen) theo hướng hữu cơ tại Sơn La”. Đến nay, cây nho Hạ đen sinh trưởng, phát triển tốt, thích nghi tốt với điều kiện trong nhà màng, ít sâu bệnh hại và đã bước đầu cho thu hoạch góp phần tăng thu nhập cho người dân, doanh nghiệp tham gia mô hình. 

          Sau khi khảo sát các địa điểm, đề tài lựa chọn được 02 hộ dân 01 công ty tại xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn và xã Mường Sang, xã Đông Sang của huyện Mộc Châu, để xây dựng mô hình trồng thử nghiệm giống nho Hạ đen chịu hạn trong nhà màng, nhà lưới với tổng diện tích 2500m2. Đồng thời, áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân theo hướng hữu cơ, đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển, tình hình sâu bệnh hại, hiệu quả kinh tế của cây nho Hạ đen tại các mô hình. Kết quả cho thấy, cây nho Hạ đen sinh trưởng, phát triển tốt, cho thu hoạch mang lại giá trị kinh tế cao, có khả năng thích nghi với điều kiện, thổ nhưỡng của địa phương. Chất lượng quả tốt, có độ Brix đạt từ 17-22%, hương vị ngọt, quả mọng. ThS Triệu Thị Thịnh, chủ nhiệm đề tài cho biết: Đề tài đã đánh giá khả năng thích ứng của giống nho Hạ Đen đối với điều kiện của tỉnh Sơn La; Xây dựng được quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây nho Hạ Đen theo hướng hữu cơ tại Sơn La. Qua quá trình thực hiện đề tài thì tôi thấy điều kiện khí hậu của Sơn La rất thích hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây Nho hạ đen. Về hiệu quả kinh tế thì hiện tại, có thể đánh giá cây nho Hạ đen là một trong những cây có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người trồng”.

          Công ty Cổ phần Chimi Việt Nam, Bản Áng xã Đông Sang huyện Mộc Châu là địa điểm nổi tiếng với hoạt động du lịch trải nghiệm với mô hình trồng dâu tây, năm 2017 Công ty bắt đầu đưa các giống nho vào trồng thử nghiệm để mở rộng các loại hình du lịch trải nghiệm, do chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật trồng nên năng suất và hiệu quả không được cao. Đến năm 2019, Công ty tham gia mô hình trồng nho Hạ đen trong nhà màng với diện tích 1000 m2, trong quá trình thực hiện được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn các quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, thu hái cây nho sinh trưởng, phát triển tốt, đến nay đã cho quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho Công ty, là địa điểm hấp dẫn cho du khách tham quan, trải nghiệm hái nho tại vườn. Anh Lương Văn Nam - Công ty Cổ phần Chimi Việt Nam chia sẻ: “Gia đình tôi đã trồng nho được 4 năm, ban đầu trồng thí điểm nhưng thấy năng suất và hiệu quả không được cao. Từ khi có đề tài hướng dẫn, tôi thấy năng suất nâng cao và các vấn đề sinh thái được cải thiện. Tôi cũng được hướng dẫn về quy trình kỹ thuật, cách chăm sóc tỉa nho, dịch bệnh kiểm soát được tốt hơn. Năng suất và hiệu quả kinh tế  cao hơn. Đây là mô hình trải nghiệm nông nghiệp, hiện tại giá bán trong vườn là 200.000 đồng/kg, bán buôn dao động tầm 150.000 - 160.000 đồng. Trung bình với giá bán 200.000 đồng/kg thu được khoảng 200 triệu/1 tấn".

          Tham quan vườn nho Hạ đen của gia đình ông Đỗ Tràng Tâm, bản Bãi Sậy, xã Mường Sang huyện Mộc Châu, nhìn những chùm nho sai trĩu quả, ông không nghĩ cây nho có thể phát triển ở vùng đất chỉ quen trồng rau và hoa màu từ nhiều năm nay. Ông cho biết, khi nhóm thực hiện đề tài trường Cao đẳng Sơn La đặt vấn đề lựa chọn địa điểm trồng thử nghiệm giống nho Hạ đen, gia đình sẵn sàng tham gia nhằm đưa giống mới vào sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, nâng cao giá trị kinh tế cho gia đình. Năm 2020, từ nguồn giống được hỗ trợ của đề tài, ông bắt đầu trồng với diện tích 500m2 và đầu tư thiết kế nhà màng để phù hợp với sự sinh trưởng phát triển của nho Hạ đen trong điều kiện tự nhiên của Mộc Châu. Dưới sự hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, tỉa cành, tỉa quả của nhóm nghiên cứu trong suốt quá trình triển khai đề tài nên năng suất, chất lượng nho được nâng lên theo từng vụ.

          Tại xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, hộ gia đình ông Nguyễn Thanh Hải trồng nho từ năm 2017, do mới trồng, chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2020, khi tham gia đề tài được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc nho Hạ Đen cùng với tìm hiểu trên các phương tiện thông tin về kỹ thuật trồng nho. Hộ gia đình đã thí điểm trồng cây nho Hạ đen với quy cách hàng đôi, hàng cách hàng 1m, cây cách cây 1m. Kết quả bước đầu cho thấy khi trồng hàng đôi sẽ tận dụng được tối đa diện tích đất canh tác nhà màng, tiết kiệm vật tư làm giàn, dễ chăm sóc, bón phân, cây sinh trưởng, phát triển rất tốt. Đến nay, vườn nho của gia đình ông Hải đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đón nhiều du khách vào thăm quan, trải nghiệm hái nho và mua tại vườn với giá khoảng 200.000 đồng/kg. 

        Trong gần 3 năm triển khai, các nghiên cứu đánh giá sự sinh trưởng phát triển, tình hình sâu bệnh hại của cây nho cũng như kết hợp các biện pháp canh tác theo hướng hữu cơ đều được thực hiện trong điều kiện nhà màng và nhà lưới. Qua theo dõi có thể thấy, đối với cây nho trồng trong điều kiện nhà lưới, khi có mưa, cây nho sinh trưởng rất nhanh, tuy nhiên nếu thời gian mưa kéo dài thì vườn nho bắt đầu xuất hiện bệnh sương mai làm cho cây nho sinh trưởng, phát triển kém, chiều cao cây đạt 1,5m, đường kính gốc đạt 0,68cm và đường kính cành đạt 0,55cm, số cây phù hợp để thực hiện biện pháp kỹ thuật cắt cành kích thích ra hoa, đậu quả ít. Kết quả này là cơ sở quan trọng để khuyến cáo cho người dân, hợp tác xã không nên trồng nho trong nhà lưới, hiện tại, nên trồng nho trong nhà màng. ThS Triệu Thị Thịnh - Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Sau quá trình thực hiện đề tài, chúng tôi đã xây dựng được quy trình trồng nho Hạ đen theo hướng hữu cơ tại Sơn La và để nhân rộng mô hình, phổ biến với bà con, mở các lớp tập huấn để hướng dẫn bà con trên địa bàn tỉnh. Tôi nhận thấy, điều kiện cả hai huyện Mai Sơn và Mộc Châu đều phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của giống nho Hạ đen, tuy nhiên đối với huyện Mộc Châu thì có lưu ý là do thời tiết lạnh hơn, thường xuyên có sương mù, do đó vấn đề phòng trừ sâu bệnh. Tuy nhiên, Mộc Châu lại có lợi thế hơn Mai Sơn là nhiệt độ thấp hơn, lạnh hơn nên khả năng phân hoá mầm hoa lại tốt hơn với điều kiện Mai Sơn. Cây nho Hạ đen bắt buộc phải trải qua những tháng mùa đông để phân hoá mầm hoa trong năm nên tiềm năng, năng suất của nó rất tốt”.

          Trên cơ sở theo dõi, đánh giá sự sinh trưởng phát triển của cây nho, nhóm thực hiện đề tài đã xây dựng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản nho Hạ đen trong nhà màng, nhà lưới theo hướng hữu cơ phù hợp với điều kiện tại tỉnh Sơn La như việc lựa chọn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phòng trừ sâu bệnh hại, sử dụng chế phẩm kích thích khả năng ra hoa đậu quả, chống rụng quả. Qua thực tế triển khai các mô hình trên địa bàn huyện Mai Sơn và Mộc Châu, nhóm thực hiện đề tài đưa ra khuyến cáo người dân nên sử dụng phân bón hữu cơ khoáng Japadi, là loại phân có hàm lượng dinh dưỡng cao nhất, được sản xuất theo công nghệ của Nhật Bản giúp cây nho Hạ đen sinh trưởng phát triển tốt. Sử dụng GA3 nồng độ 10ppm khi giãn chùm nho; nồng độ 20ppm khi hoa nở, quả đậu có tác dụng chống rụng quả, tăng kích thước quả nho. Trong giai đoạn nho Hạ đen ra hoa, bắt đầu cắt tỉa cành, tiến hành bón thúc. Để chùm nho đều quả, phát triển cân đối, phải thường xuyên tỉa quả, đây là công đoạn quyết định chất lượng, hình dáng chùm nho sau này.

          Kinh nghiệm cho thấy các hộ trồng nho Hạ đen tại Mộc Châu, Mai Sơn đã tạo công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn, đa dạng hóa cây ăn quả, thay đổi cơ cấu cây trồng theo hướng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với hộ có diện tích nhỏ, thậm chí dưới 500m2 vẫn có thể thiết kế nhà màng. Đặc biệt mô hình trồng nho còn thu hút khách du lịch đến với địa phương. Để giúp người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã và các cán bộ kỹ thuật có thêm kiến thức và nắm được các quy trình kỹ thuật trong trồng, chăm sóc cây nho Hạ đen theo hướng hữu cơ nhóm thực hiện đề tài đã tổ chức 01 Hội thảo, 02 lớp tập huấn trên địa bàn tỉnh. Thông qua các buổi Hội thảo, tập huấn nhóm thực hiện đề tài nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình trồng, chăm sóc nho để từ đó đưa ra những khuyến cáo đối với người dân.     

          Với giá trị kinh tế đem lại trên một đơn vị diện tích, cây nho Hạ đen hứa hẹn sẽ là một trong những hướng đi giúp người dân nâng cao thu nhập. Qua đó, góp phần giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương có những định hướng trong việc phát triển cây ăn quả, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích. Kết quả của đề tài nghiên cứu trồng nho Hạ đen theo hướng hữu cơ tại Sơn La là cơ sở khoa học để lựa chọn, nhân rộng giống cây trồng mới trong sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch, nâng cao thu nhập cho người nông dân, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh vào những năm tới.

Bích Đào

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang