Phát triển logistics trong tiêu thụ nông sản Sơn La sang thị trường một số nước Châu Âu
Lượt xem: 322

    Trong những năm qua, tỉnh Sơn La đã ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp, chủ trương, cơ chế, chính sách, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ phát triển xuất khẩu trái cây và dịch vụ logistics cho xuất khẩu trái cây chủ lực của tỉnh, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho bà con nông dân địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu sang một số nước Châu Âu.

    Với tiềm năng, lợi thế thuận lợi về đất đai, khí hậu ôn hòa, mát mẻ, là điều kiện thuận lợi để tỉnh Sơn La quy hoạch thành trung tâm chuyên canh cây ăn quả và xuất khẩu hoa quả của miền Bắc. Hiện toàn tỉnh đã được cấp 281 mã số vùng trồng với tổng diện tích 4.608,45 ha cây ăn quả và 34 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; sản lượng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu 46.000 tấn trái cây các loại cho các thị trường Australia, New Zealand, Mỹ, Trung Quốc, EU... Năm 2023, dự kiến số lượng sản phẩm trái cây tham gia xuất khẩu đạt trên 18.700 tấn, với một số sản phẩm trái cây chủ yếu, như: 8.000 tấn xoài, 4.500 tấn nhãn, 1.000 tấn chanh leo... Riêng với mận hậu, toàn tỉnh có diện tích 12.353 ha trồng mận hậu, sản lượng khoảng 89.837 tấn. Tuy nhiên, nhìn vào tình hình thực tế, trong bối cảnh có tiềm năng nông sản dồi dào, cơ sở hạ tầng, dịch vụ, logistics của Sơn La lại đang là vấn đề cản trở mục tiêu trở thành trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc. Hiện nay, dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh có quy mô tương đối nhỏ lẻ, loại hình dịch vụ đơn giản, chưa có tính liên kết cao, chưa mang lại giá trị gia tăng lớn. Chủ yếu là các hoạt động vận tải, chuyển phát hàng hóa đơn lẻ và dịch vụ thuê kho, bãi. Các dịch vụ khác như hỗ trợ bảo quản (kho lạnh, sấy nhiệt, chiếu xạ…), đóng gói, hỗ trợ thủ tục hải quan, giao nhận, phân tích và kiểm định kỹ thuật… hầu như chưa có doanh nghiệp đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, hạ tầng đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh cũng chưa được đầu tư đồng bộ, năng lực bốc xếp cũng như khả năng kết nối với các tuyến đường bộ còn hạn chế. Các loại hình vận chuyển khác cũng chưa được phát triển. Điều này đã đặt ra bài toán xuất khẩu sang thị trường quốc tế cho các loại trái cây của địa phương còn nhiều khó khăn. Xuất phát từ thực tiễn đó, năm 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt cho Trường Đại học Thương mại là đơn vị chủ trì cho đề tài “Nghiên cứu thị trường và dịch vụ logistic đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng trái cây (xoài, nhãn, chanh leo, thanh long, mận hậu) của tỉnh Sơn La sang thị trường một số nước Châu Âu”, TS Phạm Văn Kiệm làm chủ nhiệm đề tài với mục tiêu: Xác định được các thị trường, phát triển dịch vụ logistics cho phù hợp với các mặt hàng trái cây chính của tỉnh Sơn La, trong đó tập trung vào xoài, nhãn, chanh leo, thanh long, mận hậu. Để từ đó đề xuất xây dựng các chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, thu gom, chế biến phục vụ xuất khẩu các mặt hàng trái cây chính của tỉnh Sơn La sang thị trường một số nước Châu Âu.

    Năm 2022, sau khi đề tài được phê duyệt triển khai, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát thực trạng tình hình sản xuất, xuất khẩu của các mặt hàng trái cây (xoài, nhãn, chanh leo, thanh long, mận hậu) của tỉnh Sơn La. Theo đánh giá cho thấy, trái cây của Sơn La không chỉ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc mà đã “vươn tới” thị trường châu Âu. Các sản phẩm hoa quả nông sản như xoài, nhãn, chanh leo, mận hậu,… của tỉnh đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm VietGAP, GlobalGAP, OCOP, Organic. Tuy nhiên, hầu hết trên địa bàn tỉnh Sơn La là các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến nông sản có quy mô nhỏ, chưa được đầu tư xây dựng hình ảnh về doanh nghiệp, về xuất khẩu, hay quảng bá giới thiệu trên các thị trường quốc tế còn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện dịch vụ xuất khẩu còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ xuất khẩu nông sản khối lượng lớn. Nhất là đối với những loại trái cây có tính thời vụ cao như xoài, nhãn, mận hậu, doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh chưa có đối tác tiêu thụ bền vững. Trong khi đó, dịch vụ vận tải phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Sơn La đa dạng với nhiều hình thức như thông qua cửa khẩu tại Lạng Sơn, Lào Cai sang Trung Quốc, đường hàng không qua sân bay Nội Bài và một số container lạnh đi bằng đường biển (qua cảng Hải Phòng) nhưng thiếu các trung tâm logistics trọng điểm, hàng hóa phải được vận chuyển qua nhiều chặng đến Hà Nội và các tỉnh biên giới phía Bắc để xuất đi các nơi khiến chi phí logistics cao lên đến 30% giá thành sản phẩm, khiến cho trái cây Sơn La giảm sức cạnh tranh so với trái cây các nước như Thái Lan, Trung Quốc…

    Ông Phạm Văn Kiệm - Phó Trưởng Bộ môn Logistics Kinh doanh, Trường Đại học Thương Mại cho biết: Sơn La là một trong những địa phương có khả năng sản xuất các mặt hàng nông sản lớn của cả nước. Chúng ta thấy 10 năm trước, đối với các sản phẩm Sơn La chưa được nhiều người biết đến. Nhưng trong nhiều năm trở lại đây, Sơn La là một trong những địa phương có khả năng đảm bảo về sản lượng, chất lượng nông sản tốt nhất của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên mặc dù các sản phẩm xuất khẩu của Sơn La đã tốt rồi, sản phẩm thương hiệu của Sơn La hiện nay đã biết ở thị trường nhiều nơi trên thế giới thì song song với đó dịch vụ logistics để phục vụ cho xuất khẩu còn nhiều hạn chế. Theo niên giám thống kê năm 2022, số lượng 84 doanh nghiệp logistics thì số lượng còn quá ít, đây là điểm yếu của Sơn La đối với các dịch vụ logistics để phục vụ cho hoạt động xuất khẩu các sản phẩm nông sản chính của Sơn La sang thị trường thế giới nói chung và sang thị trường châu Âu nói riêng.

    Với kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm trong lĩnh vực logistics kinh doanh tại Trường Đại học Thương Mại, TS Phạm Văn Kiệm, Chủ nhiệm đề tài đã cùng nhóm nghiên cứu đề tài nghiên cứu đề xuất 8 nhóm giải pháp trọng điểm nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng trái cây xoài, nhãn, chanh leo, thanh long, mận hậu của tỉnh Sơn La sang thị trường một số nước châu Âu bao gồm: Chuẩn hóa và phát triển năng lượng cung ứng dịch vụ dịch vụ logisitics nông sản nói chung và ưu tiên một số mặt hàng trái cây xuất khẩu trọng điểm; Xây dựng và phát triển hệ thống logistics chuyên dụng cho các mặt hàng trái cây nói chung và trái cây xuất khẩu trọng điểm với các đầu mối trung tâm logistics hợp lý về vị trí, quy mô, đảm bảo tính hiện đại, đáp ứng nhu cầu thực tế; Xây dựng các chuỗi cung ứng xuất khẩu trái cây sang Châu Âu trên cơ sở thu hút các doanh nghiệp xuất khẩu, tập đoàn thực phẩm và/hoặc doanh nghiệp logistics lớn, chuyên nghiệp, định hình là doanh nghiệp trung tâm chuỗi; Từng bước tiến tới xây dựng trung tâm logistics 4.0 trung chuyển các mặt hàng trái cây Sơn La xuất khẩu nói chung và sang thị trường Châu Âu nói riêng, dự kiến tại Mai Sơn, trong tầm nhìn 2025 - 2030 nhằm thúc đẩy xuất khẩu trái cây; Nhóm giải pháp thị trường và xúc tiến thương mại, hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy xuất khẩu trái cây sang thị trường Châu Âu;... Cho đến nay, nhóm nghiên cứu đã chuyển giao vận dụng mô hình kết nối tiêu thụ, xuất khẩu mặt hàng trái cây của tỉnh Sơn La sang thị trường Châu Âu cho 2 đơn vị tiêu biểu là Công ty Cổ phần Nông nghiệp FUSA và HTX (Hợp tác xã) sản xuất Nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc. 

anh tin bai

Nhóm nghiên cứu đề tài tiến hành khảo sát tình hình sản xuất, chế biến nông sản tại Sơn La

    Ông Phạm Văn Kiệm - Phó Trưởng Bộ môn Logistics Kinh doanh, Trường Đại học Thương Mại chia sẻ: Qua quá trình khảo sát thực tế trên địa bàn tỉnh Sơn La từ tháng 5/2022, chúng tôi đã đi tìm hiểu, nghiên cứu, lựa chọn nhiều đơn vị, đặc biệt là phỏng vấn nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã tham gia vào quá trình xuất khẩu các mặt hàng của tỉnh Sơn La, trong đó chúng tôi lựa chọn 2 đơn vị đầu tiên là Công ty Cổ phần Nông nghiệp FUSA - đây là một trong những đơn vị xuất khẩu nhiều nông sản Sơn La sang thị trường Châu Âu như Nga, Hà Lan, Pháp, Bỉ. Doanh nghiệp này có quá trình tham gia liên kết, phối hợp với các hợp tác xã để tạo ra các vùng nguyên liệu tập trung để phục vụ cho hoạt động xuất khẩu.

    Ông Phạm Ngọc Thức, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp Hữu cơ Fusa cho biết: Công ty Cổ phần Nông nghiệp Hữu cơ Fusa là đơn vị xuất khẩu nông sản tại tỉnh Hải Dương. Trong những năm vừa qua, sản phẩm xuất khẩu của chúng tôi được các khách hàng yêu cầu, trong đó có các sản phẩm đặc thù của tỉnh Sơn La. Tại Sơn La có những vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu của công ty cũng như hợp tác xã kết hợp để canh tác cũng như để quản lý những vùng đó, bao gồm sản phẩm nhãn Sông Mã, sản phẩm xoài của Yên Châu cũng như sản phẩm chanh leo. Đối với công ty của chúng tôi, những thị trường đặc biệt khó tính cũng như thị trường EU, thị trường khác, thông qua sự hỗ trợ, cho phép của cơ quan quản lý nhà nước bao gồm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn La cũng như các cơ quan quản lý khác, giúp cho chúng tôi, để hướng dẫn bà con canh tác, tạo điều kiện để có năng suất tốt nhất cho cây trồng. Hiện tại chúng tôi lựa chọn mỗi huyện, mỗi hợp tác xã có sản phẩm đặc thù riêng như huyện Sông Mã, chúng tôi chọn HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hoa Mười để cung cấp sản phẩm nhãn Sông Mã, và huyện Yên Châu thì chúng tôi lựa chọn HTX Tây Bắc để cung cấp cho chúng tôi sản phẩm chanh leo cũng như sản phẩm mận, xoài của Yên Châu.

    HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hoa Mười đã thành lập và phát triển hơn 10 năm. Đây là hợp tác xã có uy tín, nhiều kinh nghiệm trong trồng cây nhãn. Tính đến tháng 7/2023, hợp tác xã có 14 thành viên với diện tích trồng nhãn đạt 35 ha, trong đó có 20 ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP, chủ yếu là giống nhãn T6 và Miền Thiết. Đây là minh chứng xác thực cho thấy hợp tác xã đã tuân thủ các tiêu chuẩn nghiệm ngặt về canh tác, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu. Đồng thời cũng đảm bảo rằng nhãn của hợp tác xã được sản xuất một cách chất lượng và an toàn với sức khỏe.  Trong những năm gần đây, nhận thấy tiềm năng thị trường của sản phẩm long nhãn, đồng thời giúp giải quyết áp lực tiêu thụ quả tươi khi vào chính vụ, hợp tác xã đã nghiên cứu học hỏi phương pháp để tạo ra sản phẩm long nhãn sấy khô, có chất lượng tốt hơn, đảm bảo an toàn hơn cho người tiêu dùng. Trước đây việc chế biến long nhãn được làm thủ công, tốn nhiều công sức, hiệu quả kinh tế thấp. Nhưng vài năm trở lại đây, hợp tác xã đã chuyển từ sấy lò truyền thống, sử dụng than củi sang lò nhiệt hơi, chuyển từ làm long bệt sang long xoáy, nhờ đó sản phẩm long nhãn làm ra có mẫu mã đẹp, chất lượng cao và được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận.

    Ông Phạm Ngọc Thức, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp Hữu cơ Fusa cho biết: Hiện tại đối với các đơn vị mà chúng tôi liên kết để có những sản phẩm đi vào thị trường mà khách hàng mong muốn, trong đó có các sản phẩm của Sơn La hiện tại được đánh giá rất tốt về mặt chất lượng cảm quan. Đối với thị trường vương quốc Anh, vừa qua chúng tôi có sản phẩm nhãn quả tươi, đánh giá chất lượng rất tốt, hương vị, kích thước quả, trọng lượng quả rất đồng đều. Chúng tôi hy vọng, các hợp tác xã khi hợp tác, liên kết với công ty chúng tôi cố gắng hơn nữa về mặt quản lý chất lượng, cũng như quản lý quy trình chăm sóc để có những sản phẩm tốt nhất cho khách hàng. Hiện tại chúng tôi đang chuẩn bị phương hướng mở rộng thị trường sơ chế, chế biến tại tỉnh Sơn La. Trong thời gian sắp tới, công ty có định hướng mở rộng nhà máy sơ chế tại tỉnh Sơn La để có nhiều hợp tác xã cung cấp, ký hợp đồng với chúng tôi để có những vùng nguyên liệu thật tốt xuất khẩu.

    Liên minh châu Âu (EU) là một trong những đối tác thương mại ổn định và quan trọng nhất của Việt Nam nói chung cũng như tỉnh Sơn La nói riêng. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường yêu cầu khắt khe, hầu hết các mặt hàng nông sản của Sơn La mới chỉ đáp ứng được tiêu chuẩn VietGAP, chưa đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khác như GlobalGAP, chứng nhận hữu cơ. Để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Sơn La nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập,... Ban chủ nhiệm đề tài đã chuyển giao cho 2 đơn vị là Công ty Cổ phần Cao nguyên Mộc Châu và HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng về dữ liệu nghiên cứu như: kết quả nghiên cứu thị trường và dự báo thị trường Châu Âu trong thời gian tới; khả năng đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường xuất khẩu Châu Âu, các chủ trương, chính sách, mục tiêu của tỉnh Sơn La trong định hướng xuất khẩu các mặt hàng trái cây sang thị trường Châu Âu.

anh tin bai

    Ông Phạm Văn Kiệm, Chủ nhiệm đề tài khảo sát tại HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng

    HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn là một trong những đơn vị được ban chủ nhiệm đề tài chuyển giao ứng dụng kết quả nghiên cứu, cũng như hỗ trợ phân tích thị trường logistics để hỗ trợ bà con trong quá trình sản xuất, xuất khẩu sản phẩm thanh long ruột đỏ. Năm 2022, hợp tác xã xuất khẩu sang thị trường Châu Âu 20 lần, lần xuất ít nhất là 7 tạ và nhiều nhất là 9 tấn. Đây là hợp tác xã đầu tiên tại Sơn La xuất khẩu thanh long sang thị trường Pháp. Sau khi được tham gia vào các buổi hội thảo, lớp tập huấn do Ban chủ nhiệm đề tài tổ chức, HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng đã trang bị thêm những kiến thức trong quá trình trồng, sản xuất, bảo quản quả thanh long đảm bảo đáp ứng chất lượng, tiêu chuẩn đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Châu Âu. Quả thanh long đều được kiểm soát toàn bộ quy trình từ khâu chăm bón, cắt tỉa cành, lấy mẫu và kiểm nghiệm sản phẩm, có mẫu mã đẹp, đồng đều, trọng lượng từ 350 gram/quả trở lên, với giá bán 35.000 đồng/1 cân.

    Định hướng đến năm 2025, tỉnh phấn đấu giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 904,5 triệu USD, giá trị sản phẩm trái cây tham gia xuất khẩu đạt 114 triệu USD, trong đó tập trung khai thác tối đa lợi thế xuất khẩu các mặt hàng trái cây, đặc biệt các đặc sản xoài, nhãn, chanh leo, thanh long, mận hậu và thúc đẩy sự phát triển dịch vụ logistics cho xuất khẩu trái cây của tỉnh theo hướng bền vững, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Như vậy, với những đề xuất, kiến nghị, cùng các nhóm giải pháp của Ban chủ nhiệm đề tài sẽ là cơ sở để UBND tỉnh, các sở, ban, ngành có những hoạch định về đường lối, chính sách hỗ trợ đẩy mạnh cho họat động xuất khẩu, xúc tiến thương mại, hoạt động marketing, xây dựng, quảng bá thương hiệu, xác định thị trường tiềm năng, thích ứng với điều kiện thực tiễn của địa phương, đưa các mặt hàng nông sản Sơn La có được tấm vé xuất khẩu ở thị trường quốc tế, nhất là thị trường Châu Âu tiềm năng. 

Tú Hảo

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang