Phát triển tre trúc gắn với tạo cảnh quan và phát triển du lịch tại Vân Hồ
Lượt xem: 588

         Trong Đề án “Phát triển khoa học công nghệ nông nghiệp, nông thôn tỉnh Sơn La giai đoạn 2014-2020 và định hướng đến năm 2025” luôn coi trọng vấn đề phát triển khoa học và công nghệ, nông nghiệp, nông thôn nhằm huy động và phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh. Xuất phát từ thực tiễn đó, trong những năm qua, tỉnh Sơn La đã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, qua đó đã góp phần đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ kịp thời chủ trương phát triển nông nghiệp của tỉnh.

         Nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, huyện Vân Hồ có vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở vùng Tây Bắc về hướng Đông Nam của tỉnh Sơn La. Với nhiều di tích, danh thắng đẹp và độc đáo, diện tích rừng và đất sản xuất nông lâm nghiệp lớn, khí hậu trong lành; đồng bào các dân tộc có nền văn hóa phong phú với những giá trị nhân văn, lịch sử tốt đẹp, tạo nên nét văn hóa đặc sắc, độc đáo. Đây là tiềm năng, lợi thế để huyện Vân Hồ thu hút đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng. Xuất phát từ thực tiễn đó, từ năm 2020, Trường Cao đẳng Sơn La triển khai thực hiện đề tài “Tuyển chọn và xây dựng quy trình canh tác một số giống Tre trúc lấy măng kết hợp tạo cảnh quan phát triển du lịch tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La”, TS. Hoàng Thị Hồng Nghiệp là chủ nhiệm.

          Theo khảo sát, diện tích rừng thuần loài tre trúc tại huyện Vân Hồ trên 3.180 ha, phân bố hầu hết các xã trong huyện, nhưng chủ yếu trồng tự phát, phân tán, chưa thâm canh, đầu tư mang tính chuyên nghiệp phục vụ, kinh doanh khách du lịch, thu nhập còn hạn chế,... nên chưa phát huy tốt hiệu quả sản xuất gắn với Khu du lịch Quốc gia. Với mục tiêu chọn được một số giống tre trúc đạt yêu cầu lấy măng có năng suất, chất lượng, tạo ra sản phẩm có giá trị hàng hóa cao và cảnh quan phục vụ phát triển du lịch; Xây dựng được quy trình canh tác giống tre trúc được chọn phù hợp với điều kiện huyện Vân Hồ, đề tài đã tập trung nghiên cứu, triển khai thực hiện 5 nội dung chính gồm: Tuyển chọn giống tre trúc phù hợp cho măng và tạo cảnh quan môi trường tại huyện Vân Hồ; kỹ thuật nhân giống, trồng, canh tác tre trúc; xây dựng mô hình canh tác một số giống tre trúc lựa chọn lấy măng kết hợp tạo cảnh quan môi trường sinh thái tại bản Suối Lìn, xã Vân Hồ và bản Phụ Mẫu, xã Chiềng Yên; hướng dẫn kỹ thuật canh tác tre trúc và tổ chức lớp tập huấn, hội thảo công bố kết quả nghiên cứu đề tài.

          Qua quá trình điều tra thực địa trên 4 tuyến tại 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ, đã xác định được tổng số 13 loài tre trúc, thuộc 8 chi. Theo tiêu chí lựa chọn loài tre trúc cho măng và làm cảnh quan, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn được 4 loài để bố trí thí nghiệm gồm: Lành hanh, Măng đắng, Mạy hốc và Bương phấn.

          Nếu như trước đây gia đình anh Bàn Văn Tranh tại bản Suối Lìn chỉ biết trồng tre trúc bằng gốc đào lấy từ rừng, tỷ lệ sống thấp, cây sinh trưởng chậm. Từ khi được nhóm nghiên cứu đề tài của Trường Cao đẳng Sơn La trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, anh đã cùng nhiều hộ gia đình trong bản tham gia trồng thử nghiệm bằng. phương pháp ươm bằng hom, cành, rễ. Anh chia sẻ: “Trước đây, bà con toàn vào rừng đào măng củ về trồng, nên tỉ lệ sống rất thấp. Sau khi nhóm nghiên cứu đề tài của Trường Cao đẳng Sơn La xuống tận nơi khảo sát mô hình và hướng dẫn kỹ thuật, phương pháp ươm bằng hom, cành, rễ, từ đó, người dân tại bản đã trồng cây tre trúc tỷ lệ sống đạt 90%, cây phát triển tốt hơn”.

          Thế mạnh của bản suối Lìn, xã Vân Hồ là bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Dao tiền. Tại các bản làng du lịch cộng đồng, bên cạnh nhu cầu trải nghiệm sắc màu văn hóa bản địa, du khách còn mong muốn được sống trong khung cảnh cây cối xanh tươi, không khí trong lành. Cây tre, trúc tại suối Lìn hiện nay mới thuần túy phục vụ hoạt động lấy măng, lấy nguyên liệu phục vụ sinh hoạt, chưa tham gia vào hoạt động du lịch. Trong khi đó du lịch cộng đồng đang là hướng phát triển thuận lợi của địa phương. Cây tre tươi tốt quanh năm tạo không gian xanh, thơ mộng, là nguyên liệu tự nhiên làm ra nhiều đồ dùng, dụng cụ sản xuất cũng như làm đồ thủ công mỹ nghệ và quà lưu niệm cho du khách. Vì thế cần tập trung vào giải pháp quy hoạch rừng tre, trúc tại bản suối Lìn kết hợp trồng mới nhằm khai thác tiềm năng cây tre, trúc bản địa gắn với phát triển du lịch bền vững cho địa phương. Do đó, nhóm nghiên cứu đề tài đã xây dựng 1 mô hình cảnh quan tre trúc phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng dân tộc Dao gắn với định hướng phát triển du lịch cộng đồng tại bản Suối Lìn, xã Vân Hồ với diện tích tổng thể hơn 8000 m2, trong đó diện tích cảnh quan tre trúc là 4000 m2. Đề tài đã hỗ trợ tư vấn kỹ thuật thiết kế đường đi bao quanh khuôn viên mô hình; đồng thời xây dựng nhà truyền thống dân tộc Dao cạnh khuôn viên mô hình. Đây là nơi hội tụ sắc màu văn hoá đồng bào Dao, cũng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng gắn kết bản làng với cảnh quan thiên nhiên.

          Bà Hoàng Thị Hồng Nghiệp, Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng 2 mô hình cảnh quan phát triển với du lịch cộng đồng của tại bản Suối Lìn và một mô hình tại xã Chiềng Yên nhằm phát triển quảng bá du lịch sinh thái. Ban đầu chỉ là một vùng sơ khai, cỏ lau phát triển và đất đai hoang hóa. Tuy nhiên chúng tôi cũng đã trồng chăm sóc và phát triển tre trúc trên diện tích đất này thì đã thay đổi rõ nét về cảnh quan”.

          Với sự tư vấn, hướng dẫn của nhóm đề tài, người dân nơi đây đã dần thay đổi nhận thức, bên cạnh việc trồng tre trúc, bà con đã biết lựa chọn một số loài tre trúc đẹp đem trồng, nhân rộng tạo cảnh quan, dọn dẹp khuôn viên rừng măng tre sạch sẽ, cắt tỉa những tán lá, cành cây già, cây chết để làm cảnh quan xanh sạch đẹp... từ những quả đồi trơ sỏi đá, hay mọc những bụi cây cỏ rậm rạp, đến nay đã phủ một màu xanh mát, màu của những tán lá, cành cây tre trúc, tạo không gian hài hòa, gần gũi với thiên nhiên góp phần thay đổi cảnh quan nơi đây phục vụ sinh hoạt văn hoá cộng đồng của dân tộc Dao gắn với phát triển du lịch.

           Anh Bàn Văn Tranh tại bản Suối Lìn chia sẻ: “Trước đây, bà con nhân dân bản suối Lìn trông cây tre trúc rất nhiều, nhưng mọi người chỉ biết đào gốc lấy măng để bán, lấy thân tre để đan lát một số dụng cụ cho gia đình. Nhưng từ khi Trường Cao đẳng Sơn La xây dựng mô hình cây tre trúc tạo cảnh quan du lịch, chúng tôi đã làm theo đúng hướng dẫn, kỹ thuật nhân giống, hom cành, hom gốc, bón phân cho cây. Đến nay đã có rất nhiều đoàn khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm khu du lịch tại đây”.

          Đối với mô hình khai thác măng tre gắn với định hướng phát triển du lịch sinh thái xã Chiềng Yên được xây dựng dựa trên vườn Lành hanh tại hộ gia đình bà Hà Thị Nguyễn tại bản Phụ Mẫu, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ với tổng diện tích 8000 m2, nhóm nghiên cứu đã tiến hành tác động kỹ thuật tạo ra sản phẩm măng đạt chất lượng và sản lượng măng thu hoạch được nhiều hơn gấp 3 cho đến 6 lần so với khi chưa áp dụng biện pháp tác động kỹ thuật. Cụ thể như đã xử lý thực bì, tỉa cây già cỗi, cong queo, sâu bệnh, đồng thời bón phân, xử lý thuốc mối…. Nhờ vậy diện tích măng tre tại đây đã và đang phát triển xanh tốt. Bà Hà Thị Nguyễn cho biết: “Trước đây chỉ thu hoạch được khoảng 15-20 cân măng 1 lần, mỗi tuần thì thu được 1 lần. Sau khi có sự hướng dẫn kỹ thuật của Trường Cao đẳng Sơn La thì năng suất gấp 3, 4 lần, chất lượng tốt hơn, măng bụ hơn, ăn ngọt hơn, mỗi tuần thu được 2 lần. Chúng tôi mong muốn cấp trên có phương hướng để phát triển rừng măng, tạo thu nhập cho bà con”.

          Để quảng bá giới thiệu sản phẩm măng tre trúc, nhóm nghiên cứu đã liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Xuân 269 tại Bản Mướt, xã Tân Xuân nhằm đưa sản phẩm măng tre bản địa đã nghiên cứu ra thị trường, đồng thời hỗ trợ về bao bì, nhãn mác và truy xuất nguồn gốc, cũng như phát triển thêm các sản phẩm về măng bương và măng hốc cho hợp tác xã.

         Với mong muốn thay đổi nhận thức, tư duy của người dân tộc thiểu số trong việc áp dụng biện pháp kỹ thuật canh tác để năng suất, chất lượng măng tre ổn định, đạt hiệu quả cao hơn, trong khuôn khổ của đề tài, nhóm nghiên cứu đã phối hợp với Sở Khoa học và Công  nghệ, UBND huyện Vân Hồ đã tổ chức các lớp tập huấn, Hội thảo khoa học cấp trường và cấp tỉnh tại huyện Vân Hồ. Thông qua việc thảo luận, trao đổi, lấy ý kiến đóng góp giữa các đơn vị, hợp tác xã, các hộ dân, là cơ sở để Ban chủ nhiệm đề tài đề xuất thêm những giải pháp phát triển mô hình trồng tre trúc trong thời gian tới.

          Ông Bùi Văn Thuỷ - Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Yên cho biết: “Đối với cây tre trúc thì tại xã Chiềng Yên, người dân đã trồng rất lâu năm rồi, tuy nhiên để khai thác có hiệu quả chăm bón, trở thành sản phẩm có hiệu quả, tăng thu nhập cho bà con nhân dân thì chưa được khai thác. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền cho bà con nhân dân phát triển nhiều mô hình này. Thứ nhất, tạo kinh tế, công ăn việc làm cho bà con của xã, thứ hai là phục vụ sản phẩm du lịch, có điểm nhấn thăm quan, trải nghiệm tại xã Chiềng Yên”.

          Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở để huyện Vân Hồ nói chung và xã Chiềng Yên nói riêng nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả của cây tre trúc gắn với du lịch cộng đồng, tạo không gian trải nghiệm nguyên sơ, xanh tươi, mát mẻ cho du khách tới tham quan, tìm hiểu nét đẹp bản sắc văn hóa và phong tục tập quán của địa phương gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Tin tưởng rằng, trong thời gian tới, mô hình cây tre trúc này sẽ được nhân rộng tạo sinh kế lâu dài cho người dân, đặc biệt là người dân miền núi, tạo ra giá trị hàng hóa cao và quảng bá sản phẩm măng của các loại tre trúc trên thị trường.

Bích Đào

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang