Tem truy xuất nguốn gốc – Nâng cao giá trị nông sản Sơn La
Lượt xem: 737

     Thực hiện Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc theo Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực triển khai các bước hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; phấn đấu trong giai đoạn 2022 - 2025 có 100% sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh và các sản phẩm thuộc chương trình OCOP có sử dụng mã số, mã vạch, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và được kết nối với Cổng Thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm Quốc gia.

      Tỉnh Sơn La có trên 1.056 nghìn ha đất nông nghiệp, chiếm 74,89% diện tích đất tự nhiên, chủ yếu là các loại rau, quả nhiệt đới, cận ôn đới. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, trong những năm gần đây, các sản phẩm nông sản của tỉnh Sơn La đã và đang được đánh giá cao về sản lượng cũng như chất lượng. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 22.450 ha diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương; có 281 mã số vùng trồng, 24 sản phẩm mang địa danh của tỉnh Sơn La được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; trong đó có 2 sản phẩm được bảo hộ tại Châu Âu và Thái Lan; 109 sản phẩm OCOP; 250 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn và 04 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

     Để nâng cao tính cạnh tranh của các loại nông sản hàng hóa trên thị trường, ngày 20 tháng 4 năm 2021, UBND tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch số 105 về thực hiện Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2030. Cụ thể, trong giai đoạn 2022 - 2025, phấn đấu có 100% sản phẩm nông nghiệp trong danh mục sản phẩm chủ lực của tỉnh và các sản phẩm thuộc chương trình OCOP có sử dụng mã số, mã vạch, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và được kết nối với Cổng Thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm Quốc gia. Là cơ quan tham mưu cho UBND về hoạt động truy xuất nguồn gốc, Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La đã chủ động phối hợp với Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định Quốc tế ISOCERT triển khai việc áp dụng và quản lý Hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Sơn La.

     Ông Hà Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La cho biết: “Qua rà soát, đánh giá, Sở đã lựa chọn 15 sản phẩm thuộc 15 đơn vị để thực hiện thí điểm và triển khai quy trình áp dụng số hóa. Đây là cơ sở để hướng dẫn quy trình, cách thức thực hiện truy xuất theo đúng tiêu chuẩn của thế giới, cũng như Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 12850:2019 của Việt Nam”.

     Năm 2022, qua rà soát, đánh giá thực trạng truy xuất nguồn gốc cũng như nhu cầu của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tỉnh Sơn La có 15 sản phẩm của 15 đơn vị tham gia thực hiện truy xuất nguồn gốc; trong đó có 14 cơ sở đăng ký sản phẩm tươi, thuộc danh mục sản phẩm từ rau, củ quả tươi;  01 cơ sở đăng ký sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến. Căn cứ vào đặc tính sản xuất và sản phẩm, tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp với truy xuất nguồn gốc của nhóm sản phẩm, đơn vị thực hiện dự án đánh giá và lựa chọn áp dụng 02 hệ thống phần mềm truy xuất riêng biệt, bao gồm: Truy xuất nguồn gốc nhóm sản phẩm thuộc nông sản (OMFARM) và sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến, đóng gói (OMFOOD). Các thông tin truy xuất này được xây dựng và thiết kế theo tiêu chuẩn ISO 22000, VietGAP, TCVN 12850:2019, tiêu chuẩn truy xuất toàn cầu GS1, thể hiện đầy đủ dữ liệu thông tin thiết yếu liên quan đến quy trình sản xuất sản phẩm như: Dữ liệu về thuốc bảo vệ thực vật cùng với ngày sử dụng, thông tin về hạt giống, phân bón, vật liệu đóng gói, đội sản xuất. Riêng bộ tiêu chí truy xuất nguồn gốc với nhóm rau củ quả tươi còn có thêm thông tin thu hoạch và nguồn nước.

anh tin bai

Chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định Quốc tế ISOCERT chia sẻ kiến thức về truy xuất nguồn gốc cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

     Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La và Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định Quốc tế ISOCERT đã tổ chức Chương trình đào tạo cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thông qua Chương trình đào tạo, các học viên đã được cán bộ, chuyên gia chia sẻ kiến thức về truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng; truy xuất nguồn gốc trong ngành thực phẩm và nông nghiệp; truy xuất nguồn gốc trong chuỗi thức ăn và thực phẩm; ứng dụng công nghệ 4.0 trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm;... Đến nay, dự án đã thiết lập, kích hoạt tài khoản, thiết kế mẫu tem phù hợp với quy cách bao bì sản phẩm, tùy chỉnh giao diện cho phép cập nhật, lưu giữ thông tin truy xuất nguồn gốc, hình ảnh, cơ sở dữ liệu, cho 15 sản phẩm trên hệ thống. Hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng thành thạo phần mềm để quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm của đơn vị mình.

anh tin bai

Chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định Quốc tế ISOCERT hướng dẫn người dân sử dụng phần mềm quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc OMFARM

      Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Mường Tấc, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La sản suất nhiều chủng loại sản phẩm rau, củ, quả các loại, rải đều các vụ trong năm, trong đó có 4000m² diện tích trồng dưa leo, dưa lưới, dưa baby trong nhà màng, nhà kính áp dụng theo quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ và tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó sản phẩm dưa chuột của hợp tác xã là 1 trong 15 sản phẩm của tỉnh được cấp tem truy xuất nguồn gốc, thông qua hệ thống này người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu thông tin, quy trình sản xuất chỉ với thao tác quét mã đơn giản. Đây là tiền đề, cơ hội quan trọng để các sản phẩm của hợp tác xã có mặt tại các siêu thị, hệ thống cửa hàng rau quả sạch trong nước. Ông Phạm Văn Ba, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Mường Tấc, chia sẻ:Khi có tem truy xuất nguồn gốc sẽ cho biết thông tin về quy trình sản xuất, sử dụng phân bón để giới thiệu sản phẩm của hợp tác xã ra thị trường”.

     Hợp tác xã Đại Dương tại xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La là một trong những hợp tác xã lần đầu tiên được tiếp cận phần mềm quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm Xoài. Ngoài việc hướng dẫn về quy trình sản xuất, xử lý sau thu hoạch theo hướng VietGAP, các thành viên của hợp tác xã còn được các chuyên gia thiết kế, tạo tài khoản đăng nhập thông tin trên hệ thống truy xuất nguồn gốc OMFARM. Dựa trên đặc điểm quy trình trồng trọt, sản xuất sản phẩm của hợp tác xã và bộ tiêu chuẩn, tiêu chí truy xuất nguồn gốc, các cán bộ, chuyên gia đã tiến hành thiết lập giao diện nhật ký, thiết lập danh mục nông dược, phân bón, kế hoạch sản xuất để người dân có thể dễ dàng cập nhập, tương tác cũng như quản lý công việc giữa các thành viên trong hợp tác xã. Từ đó các thành viên trong hợp tác xã đã có thể giám sát, tra cứu được tất cả các giai đoạn của sản phẩm. Với phần mềm quản lý truy xuất nguồn gốc, sẽ góp phần tạo nên giá trị sản phẩm, tăng sức tiêu thụ khi bán xuất ra thị trường trong nước và xuất khẩu.

     Ông Lò Văn Xiên, Giám đốc Hợp tác xã Đại Dương cho biết: “Được chuyên gia hướng dẫn trồng xoài theo hướng Vietgap và được hỗ trợ cấp tem truy xuất nguồn gốc và sử dụng miễn phí trong vòng 3 năm. Khi có tem truy xuất nguồn gốc, quả của hợp tác xã sẽ thuận lợi khi xuất khẩu sang thị trường trong nước, và ngoài nước”.

     Hoạt động truy xuất nguồn gốc không chỉ là hướng đi tất yếu giúp đáp ứng đòi hỏi ngày càng khắt khe của người tiêu dùng về tính minh bạch của các loại nông sản, mà còn là chìa khóa giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng đến một nền nông nghiệp sạch, an toàn, thông minh, nâng giá trị thương hiệu sản phẩm nông sản của tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc nông sản vẫn gặp một số khó khăn, bất cập. Nguyên nhân được xác định là do đa phần các cơ sở sản xuất nông nghiệp, nhất là hợp tác xã trên địa bàn tỉnh quy mô còn nhỏ, ít vốn; việc mua sắm và sử dụng trang thiết bị áp dụng đồng bộ công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến còn hạn chế; khâu ghi nhật ký sản xuất vẫn lúng túng, chưa thông tin được toàn bộ quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị.

     Với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế, hướng tới sản xuất sản phẩm, hàng hóa giá trị gia tăng cao, sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững, minh bạch, khẳng định thương hiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của tỉnh hỗ trợ cho các đơn vị triển khai hoạt động truy xuất nguồn gốc cho các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh, kết nối Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia,  góp phần xây dựng và khẳng định thương hiệu nông sản Sơn La, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Bích Đào- Tú Hảo

 

 

 

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang