ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ VI SINH TRONG XỬ LÝ CHẤT THẢI CHĂN NUÔI BÒ, LỢN TẠI SƠN LA
Lượt xem: 3365

              Chăn nuôi bò, lợn quy mô hộ gia đình đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, chất thải chăn nuôi từ đàn bò, lợn chưa được xử lý hiệu quả, dẫn đến ô nhiễm môi trường trong khu dân cư ngày càng nhiều, ảnh hưởng tới sức khỏe của cộng đồng, đến hiệu suất chăn nuôi và trồng trọt. Với mục tiêu xây dựng được mô hình phù hợp sử dụng các chế phẩm vi sinh vật hữu ích vừa xử lý nước thải phát sinh trong chăn nuôi và xử lý chất thải rắn thành phân bón hữu cơ quy mô nông hộ chăn nuôi bò, lợn ở Sơn La, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời hạn chế nguồn phát sinh mầm bệnh cho người và vật nuôi, năm 2019 đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi sinh xử lý chất thải chăn nuôi bò, lợn thành phân hữu cơ trên địa bàn tỉnh Sơn La” do Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chủ trì, TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy làm chủ nhiệm được triển khai.  

            Đề tài đã tiến hành khảo sát tình hình chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi tại các nông hộ thuộc 03 huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La: Thuận Châu, Mai Sơn và Mộc Châu, kết quả thu được cho thấy: hầu hết các nông hộ chăn nuôi bò, lợn đều sử dụng hình thức thu gom chất thải rắn, sử dụng trực tiếp làm phân bón cho cây trồng; chất thải lỏng (một số trực tiếp hoặc qua hàm khí sinh học) sử dụng cho mục đích nước tưới cho cây ăn quả, hoa màu. Việc sử dụng các chế phẩm vi sinh trong xử lý chất thải chăn nuôi gần như chưa được áp dụng, một số rất ít có sử dụng nhưng không thường xuyên. Từ thực tế trên, đề tài đã chọn được 2 hộ gia đình tại Mai Sơn và Mộc Châu cho mô hình thử nghiệm.

            Đề tài đã xây dựng 02 mô hình xử lý chất thải lợn dạng rắn và lỏng tại gia đình ông Phạm Ánh Hồng (Tiểu khu 17, thị trấn Hát Lót huyện Mai Sơn) và và 02 mô hình xử lý chất thải rắn và lỏng chăn nuôi bò sữa tại gia đình ông Nguyễn Khắc Sơn (Tiểu khu cấp 3, thị trấn Nông trường, huyện Mộc Châu) bằng việc sử dụng chế phẩm vi sinh Sagi Bio, Sagi Bio2. Mục tiêu đầu tiên của quá trình xử lý chất thải chăn nuôi là khử mùi hôi thối xuất phát từ phân gia súc, sau đó là quá trình tái sinh nguồn năng lượng sạch (biogas) từ quá trình xử lí yếm khí, sau cùng là tái sử dụng phân gia súc làm phân bón hữu cơ cho cây trồng. Thực tế hàm lượng chất hữu cơ cao từ phân gia súc là nguồn phân bón lý tưởng cho cây trồng nếu được xử lý một cách hợp lý, giúp tăng khả năng sử dụng các chất hữu cơ của cây trồng, đồng thời làm giảm vi sinh vật gây hại và góp phần tái tạo chất lượng đất nhờ việc cung cấp nguồn vi sinh có lợi cho đất trồng.

Mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh sử dụng chế phẩm vi sinh Sagi Bio2 xử lý chất thải lỏng chăn nuôi bò sữa, lợn 

Mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh sử dụng chế phẩm vi sinh Sagi Bio xử lý chất thải rắn chăn nuôi bò sữa, lợn 

            Kết quả sử dụng các chế phẩm vi sinh để ủ xử lý chất thải rắn, lỏng chăn nuôi bò, lợn có tác dụng thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy, tạo được nguồn phân bón hữu cơ tại chỗ phục vụ trồng trọt cho cây trồng. Mô hình xử lý chất thải rắn chăn nuôi bò sữa, lợn quy mô 2 tấn/đống ủ sử dụng chế phẩm vi sinh Sagi Bio trong thời gian ủ 4-6 tuần, phù hợp điều kiện chăn nuôi bò, lợn tại nông hộ đã được áp dụng tại Mộc Châu và Mai Sơn. Phân hữu cơ sản xuất từ chất thải chăn nuôi bò, lợn đạt tiêu chuẩn theo quy định tại QCVN01-189/2019/BNNPTNT. Phân hữu cơ sau xử lý đã được giao lại cho 2 hộ gia đình sử dụng làm phân bón cho cây trồng (chè, rau, nhãn, bưởi); Mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh Sagi Bio2 xử lý chất thải lỏng chăn nuôi bò sữa, lợn quy mô gia đình 5m3/ngày đã được áp dụng phù hợp điều kiện chăn nuôi bò sữa tại Mộc Châu, và chăn nuôi lợn tại Mai Sơn. Nước thải chăn nuôi bò sữa, lợn sau xử lý đạt tiêu chuẩn nước thải chăn nuôi phục vụ sản xuất nông nghiệp theo quy định QCVN 62-MT/2016 BTNMT – cột B.

            Từ kết quả mô hình đề tài đã sử dụng chế phẩm vi sinh (Sagi BioSagiBio2) trong xử lý chất thải rắn, lỏng, tổ chức 2 lớp tập huấn tại 2 huyện Mộc Châu và Mai Sơn để giới thiệu và hướng dẫn quy trình sử dụng chế phẩm vi sinh (Sagi BioSagiBio2) trong xử lý chất thải rắn, lỏng chăn nuôi bò sữa, lợn tại 2 địa điểm triển khai mô hình nhằm giúp bà con trên địa bàn nắm vững quy trình để áp dụng.

            Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gia súc tạo ra. Đồng thời tái chế chất thải từ chăn nuôi gia súc thành phân phân bón hữu cơ chất lượng cao phục vụ cho phát triển nông nghiệp bền vững, giảm thiểu sử dụng phân hóa học trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, an toàn cho người sử dụng, hướng tới việc phát triển xanh, nhanh và bền vững.

Bích Đào

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang