Xây dựng và phát triển thương hiệu rượu vùng cao Hang Chú
Lượt xem: 263

          Về với huyện vùng cao Bắc Yên, ngoài được thưởng ngoạn biển mây bồng bềnh tại Tà Xùa kỳ thú, đi trên sống lưng khủng long, được trải nghiệm trong những khu rừng Sơn tra, du khách còn được thưởng thức nhiều đặc sản nức tiếng của đồng bào vùng cao nơi đây. Trong đó rượu Hang Chú với vị thơm, cay nồng mà chỉ thử một lần sẽ nhớ mãi không quên. Nấu rượu là nghề truyền thống từ rất lâu đời và được khởi nguồn từ bản Pa Cư Sáng, rồi lan truyền sang các bản trong xã và duy trì cho đến ngày nay. Với bà con nơi đây, rượu là sản phẩm được dùng trong những dịp lễ tết truyền thống của đồng bào Mông vùng cao. Cảm nhận đầu tiên khi bước chân vào những ngôi nhà của đồng bào Mông nơi đây đó là có mùi thơm của men rượu được đựng trong những thùng đậy cẩn thận.

          Để phát triển nhãn hiệu Rượu Hang Chú trở thành thương hiệu nổi tiếng của huyện được khách hàng cả nước biết đến. Năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh Sơn La phê duyệt cho Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp triển khai thực hiện dự án: “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Rượu Hang Chú cho sản phẩm rượu của huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La”. Dự án được bắt đầu thực hiện từ tháng 6/2021, do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp chủ trì, Thạc sỹ Phạm Thị Hạnh Thơ là chủ nhiệm. Trong 02 năm triển khai, dự án xây dựng bộ hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Rượu hang chú” và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; xây dựng được hệ thống quản lý và kiểm soát sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận sau khi được cấp văn bằng bảo hộ; xây dựng bộ nhận diện nhãn hiệu chứng nhận, quảng bá, giới thiệu sản phẩm rượu Hang Chú mang nhãn hiệu chứng nhận; xây dựng, phát triển chuỗi giá trị rượu Hang chú theo hướng liên kết giữa nông dân, hợp tác xã thu mua, tiêu thụ sản phẩm.

          Ths. Phạm Thị Hạnh Thơ, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp, chủ nhiệm dự án chia sẻ: “Dự án hỗ trợ xây dựng quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, trong khâu xây dựng chúng tôi đã hỗ trợ các nội dung về xây dựng hồ sơ và nộp lên Cục Sở hữu trí tuệ để theo dõi và đến khâu cấp bằng bảo hộ, sau đấy nâng cao năng lực cho các bên liên quan trong quá trình quản lý. Đặc biệt, là chúng tôi đã tập huấn cho bà con về ý nghĩa lợi ích quyền lợi của bà con khi tham gia trong việc quản lý và sử dụng những hiệu chứng nhận rượu Hang Chú”.

           Hiện nay, mỗi bản của xã Hang Chú duy trì 10 đến 20 hộ nấu rượu, tùy theo sở thích của mỗi người, Rượu Hang Chú được nấu có nồng độ từ 40 đến 60 độ để người dùng có thể lựa chọn, với giá bán dao động từ 25.000 đến 40.000 đồng. Để có một mẻ rượu 20 lít với nồng độ 50-60 độ sẽ sử dụng khoảng 50kg thóc, thóc cho vào luộc từ 4-5 tiếng liên tục, đến khi các hạt thóc nở ra hết khỏi vỏ trấu. Sau đó, để thóc nấu ra cho nguội tự nhiên, rồi nấu với men đã ủ càng lâu rượu càng ngon. Sau thời gian ủ men là đem vào chưng cất rượu trên bếp củi, nấu 1 mẻ rượu cần khoảng 4 tiếng đồng hồ, lửa đun vừa phải để rượu chảy đều, từ đó rượu vừa thơm ngon, vừa đạt chất lượng. Rượu Hang Chú có mùi thơm của thóc, mùi hương của men lá truyền thống, đảm bảo tiêu chí chất lượng điều đặc biệt sau khi thưởng thức đều cảm nhận được hương vị, tình cảm của người dân vùng cao nơi đây, Rượu ở Hang Chú đã có tiếng ở Bắc Yên, vì vậy dự án hỗ trợ người dân đảm bảo các tiêu chí về sản phẩm, cũng như quy trình sản xuất, mẫu mã; xây dựng thương hiệu rượu có tính cạnh tranh trên thị trường. Đây là sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn tạo nguồn thu nhập và giải quyết việc làm cho người dân góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị đáp ứng nhóm tiêu chí kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

          Ông Mùa A Sênh, Trưởng bản Pa Cư Sáng, xã Hang Chú, Bắc Yên, Sơn La cho biết: “Rượu Hang Chú thì hiện nay đã có tiếng trong và người tỉnh, đây là một trong những sản phẩm truyền thống của dân tộc H'Mông ở bản Pa Cư Sáng. Là một hàng hóa kinh doanh với thị trường và đã tạo công ăn việc làm và  thu nhập cho bà con nhiều hộ ở trong bản”.

          Trước đây rượu ở Hang Chú chỉ nấu phục vụ cho các gia đình người Mông như tiếp khách, làm lễ, làm tết của dân tộc. Với những nét đặc trưng là thơm nồng phù hợp với khẩu vị người uống, dần dần rượu Hang Chú đã trở thành một sản phẩm nổi tiếng, tạo thành chuỗi liên kết bán ra thị trường, tăng nguồn thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Với những nét đặc trưng riêng của rượu Hang Chú, đến nay đã có Hợp tác xã Tiến Hưng nhận bao tiêu sản phẩm rượu ở Hang Chú để tiến hành các quy trình trở thành thương hiệu sản phẩm như lọc chất Asen có trong rượu, dán tem bao bì giới thiệu sản phẩm; đóng thùng, nhãn mác để phân phối bán lẻ đến người tiêu dùng.

          Bà Nguyễn Thị Hồng Xuyến, Giám đốc HTX Tiến Hưng, huyện Bắc Yên, Sơn La chia sẻ: “Sau khi chúng tôi thu mua rượu của bà con trên xã Hang Chú về chúng tôi sẽ chạy rượu qua hệ thống lọc để khử các tạp chất ví dụ như là anđehit metanol, sau đó rượu được ủ dưới hệ thống chum sành hạ thổ tầm 6 tháng đến 1 năm mới đưa ra ngoài thị trường”.

          Ngày 06/12/2023, rượu Hang Chú Bắc Yên Sơn La đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, cho sản phẩm rượu trắng chưng cất, đảm bảo tiêu chí về cảm quan, lý hóa và an toàn thực phẩm. Khu vực địa lý tương ứng với nhãn hiệu chứng nhận có 01 xã Hang Chú của huyện Bắc Yên. Có 01 Hợp tác xã Tiến Hưng, thị trấn Bắc Yên, huyện Bắc Yên được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận rượu Hang chú. Trong quá trình thực hiện, dự án tiến hành hỗ trợ về xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc thông tin dựa trên ứng dụng công nghệ thiết kế và in ấn sử dụng mã tem QR code, tem truy xuất nguồn gốc được gắn trực tiếp trên bao bì sản phẩm rượu Hang chú ...

          Nhiều năm trở lại đây, rượu Hang Chú không chỉ được biết đến ở huyện Bắc Yên, mà đã lan truyền đến nhiều người trong tỉnh, ngoài tỉnh. Sản phẩm rượu truyền thống của xã Hang Chú đã và đang dần trở thành hàng hóa và là một trong những nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn của vùng cao này. Hy vọng sản phẩm rượu Hang Chú được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận sẽ tạo được thương hiệu và thu hút được nhiều du khách lựa chọn khi đến với vùng cao Bắc Yên, là cơ sở để người dân tiếp tục duy trì, mở rộng nghề nấu rượu truyền thống tạo thêm thu nhập cho người nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng cao.

Bích Đào

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang