GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU MỘT SỐ SẢN PHẨM CÂY ĂN QUẢ CHỦ LỰC
Lượt xem: 866

Hiện nay toàn tỉnh có trên 70.000 ha cây ăn quả, giai đoạn 2015-2019, diện tích cây ăn quả chủ lực như: Xoài, nhãn, mận, chanh leo… tăng 50.000 ha, bình quân tăng 30-50%/năm. Theo kế hoạch đến năm 2025, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt 100.000 ha, sản lượng ước đạt 1,1 triệu tấn. Các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn trên 10.000 ha/vùng bao gồm các huyện Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Mường La và Thuận Châu. Phát triển cây ăn quả trong những năm qua đạt hiệu quả tích cực và thu hút nhiều doanh nghiệp, Hợp tác xã và cá nhân tham gia, toàn tỉnh có trên 200 Hợp tác xã cây ăn quả với khoảng 6.000 thành viên/đơn vị sản xuất, giá trị sản xuất cây ăn quả đạt gần 2.500 tỷ đồng, trong đó, giá trị xuất khẩu sản phẩm cây ăn quả chủ lực năm 2019 đạt 17,94 triệu USD. Tuy nhiên, quá trình phát triển sản xuất phục vụ xuất khẩu sản phẩm cây ăn quả chủ lực vần còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ và phân tán; chưa có mối liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ; sản phẩm tiêu thụ hơn 90% dạng trái cây tươi; mối quan hệ liên kết giữa các đơn vị sản xuất cây ăn quả với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu chưa chặt chẽ…

Với mục tiêu đánh giá thực trạng, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu một số sản phẩm cây ăn quả chủ lực trên địa bàn tỉnh, đề xuất các giải pháp sản xuất để thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới. Năm 2019, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp sản xuất phục vụ thúc đẩy xuất khẩu một số sản phẩm cây ăn quả chủ lực trên địa bàn tỉnh Sơn La. Sau hơn một năm triển khai nghiên cứu, đánh giá về thực trạng phát triển sản xuất cây ăn quả tại tỉnh Sơn La cho thấy: các loại cây ăn quả chủ lực như xoài, nhãn, mận, sơn tra chiếm tỷ trọng trên 90% diện tích cây ăn quả, đã có 16 loại sản phẩm xuất khẩu sang thị trường 15 nước. Diện tích cây ăn quả VietGAP, hoặc GAP khác là 1.428 ha tăng gấp 11,33 lần so với năm 2015. Đến nay, toàn tỉnh có 164 mã số vùng trồng, trong đó cấp 51 mã để xuất khẩu sang thị trường Úc, Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc... Sản lượng cây ăn quả xuất khẩu của tỉnh Sơn La đạt 7% tổng sản lượng sản xuất cây ăn quả. Như vậy, về mặt tiềm năng thì tỉnh Sơn La vẫn còn rất nhiều tiềm năng để có thể xuất khẩu, tuy nhiên để khai thác được tiềm năng thì buộc người sản xuất, hợp tác xã cũng như các đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh Sơn La cần đáp ứng được những yêu cầu của các đơn vị xuất khẩu, các nước xuất khẩu. Để đáp ứng được những yêu cầu này thì cần có sự nghiên cứu, vào cuộc của các cấp, các ngành cũng như tất cả các hộ sản xuất. Đồng thời, phải có những chủ trương, chính sách phù hợp và nâng cao nhận thức của những đơn vị sản xuất về vai trò của việc xuất khẩu, trên cơ sở đó các hộ sản xuất cần áp dụng các biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, các hợp tác xã, các cơ quan chuyên môn cấp huyện cũng cần có những biện pháp phù hợp để quy hoạch vùng sản xuất đối với từng chủng loại sản phẩm, áp dụng biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng quy trình kỹ thuật để nâng cao chất lượng cây ăn quả.

Trên cơ sở nghiên cứu, đề tài đưa ra những đề xuất và các giải pháp sản xuất phục vụ xuất khẩu trong thời gian tới đó là: Đẩy mạnh sản xuất cây ăn quả nhằm khai thác tối đa điều kiện, lợi thế về tự nhiên, khí hậu của vùng gắn với cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; Tập trung ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng hiệu quả và tính bền vững, đáp ứng yêu cầu thị trường; Tăng cường mối liên kết giữa các hộ gia đình, Hợp tác xã, sản xuất với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm. Trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp về: Tăng cường quảng bá giới thiệu sản phẩm cây ăn quả; Quy hoạch vùng sản xuất tập trung; Nâng cao chất lượng giống và tăng cường quản lý giống; Hỗ trợ cải thiện nguồn lực của các đơn vị sản xuất cây ăn quả; Nâng cao nhận thức cho các chủ cơ sở sản xuất sản phẩm cây ăn quả; Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, hoạt động Logistic cho sản xuất cây ăn quả…

Với những kết quả đã đạt được, tháng 9/2020, đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh đánh giá đạt yêu cầu. Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở khoa học đề tỉnh Sơn La có định hướng, quy hoạch phát triển vùng sản xuất cây ăn quả bền vững, tránh phát triển tràn lan, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ xuất khẩu.

Bích Đào

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang