Nghiên cứu khoa học góp phần bảo tồn giống xoài tròn Yên Châu mang chỉ dẫn địa lý
Lượt xem: 1106

Hiện nay, việc duy trì khai thác và phát triển các giống cây trồng bản địa một cách hiệu quả, bền vững, vừa phục vụ cho phát triển kinh tế, vừa bảo tồn được nguồn gen quý được tỉnh Sơn La rất quan tâm. Tại huyện Yên Châu, cây xoài tròn được phát triển qua nhiều năm, là loại cây trồng gắn bó với người dân bản địa. Quả xoài tròn không chỉ là giống cây mang nguồn gen quý có hương vị đặc trưng thơm ngọt đậm đà, vỏ xanh vàng ngon, hấp dẫn mà còn là giống cây ăn quả giàu tiềm năng phát triển kinh tế. Năm 2005, xoài tròn Yên Châu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh mục nguồn gen cây trồng quý hiếm cần bảo tồn và phát triển. Đây cũng là giống xoài bản địa duy nhất tại miền Bắc Việt Nam được liệt kê trong danh mục của tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hiệp quốc cần được giữ gìn và phát triển, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và hệ thống nhận diện thương hiệu. Mặc dù xoài tròn được đánh giá là ngon, nhưng giống xoài đa số được trồng tự nhiên từ những năm 1976-1982, trồng rải rác, không được chăm sóc, chủ yếu là những cây cổ thụ, một số cây đã thoái hóa, năng suất, chất lượng giảm, quả nhiều sơ, sâu bệnh, nhất là bệnh thối quả, sâu đục thân; cây có tán cao khó khăn trong việc chăm sóc và thu hái, thời gian thu hoạch ngắn chỉ 15-20 ngày...,

Với mục tiêu: Bảo tồn giống xoài tròn Yên Châu đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý bằng các giải pháp bảo tồn nguồn gen trội của cây xoài tròn, đồng thời áp dụng các biện pháp kỹ thuật sản xuất chất lượng cao để phát triển cây xoài tròn Yên Châu theo hướng bền vững, để cây xoài tròn là cây ăn quả chủ lực, có thương hiệu, có chất lượng, có giá trị kinh tế cao trong các xã có điều kiện phù hợp để phát triển cây xoài tròn, góp phần tái cơ cấu ngành trồng trọt, phát triển kinh tế - xã hội huyện Yên Châu. Từ tháng 5/2017, UBND huyện Yên Châu chủ trì thực hiện đề tài “Bảo tồn và phát triển giống xoài tròn ở Yên Châu mang chỉ dẫn địa lý”, trong phạm vi 3 xã Chiềng Pằn, Viêng Lán và Sặp Vạt. Trong quá trình triển khai, thạc sĩ Lường Trung Hiếu cùng nhóm nghiên cứu đã thực hiện các bước như điều tra kỹ thuật trồng xoài của người dân, xử lý thực bì, làm đất, cuốc hố, xác định thời vụ trồng; kỹ thuật bón phân, tỉa cành, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; giống xoài trồng tại các điểm. Đồng thời, đánh giá chất lượng quả, tình hình sâu bệnh hại, sự sinh trưởng, phát triển cây xoài tròn, diện tích, các thông tin về thị trường tiêu thụ, thương hiệu xoài tròn Yên Châu...

Đoàn công tác Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La kiểm tra vườn cây ghép tại xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu

Một trong những nội dung ban đầu được đề tài tập trung là lựa chọn, xác định cây đầu dòng để làm tiền đề thực hiện các nhiệm vụ khác như trồng mới, cưa đốn, ghép cải tạo và sản xuất giống. Căn cứ vào thực trạng sản xuất và áp dụng tiêu chí đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý theo Quyết định số 2958/QĐ-SHTT, ngày 30/11/2012 của Cục Sở hữu trí tuệ, nhóm nghiên cứu đã vận dụng thực hiện bình tuyển, xác định 19 cây đầu dòng trong vùng chỉ dẫn địa lý. Việc xác định được cây đầu dòng tạo ra cho các nhà vườn, các đơn vị sản xuất giống cây ăn quả nguồn nguyên liệu để thực hiện sản xuất giống. Thông qua việc tổ chức thực hiện thí điểm ghép mắt giống xoài tròn trên cây xoài hôi, cây móc trai và trên chính cây xoài tròn đã khẳng định, chứng minh khả năng sinh trưởng của từng loại cây. Qua đó, tiến hành sản xuất 5.500 cây giống đạt chất lượng, phương pháp ghép của đề tài được người dân trên địa bàn huyện nghiên cứu, áp dụng, mở rộng diện tích trồng góp phần vào chương trình phát triển cây ăn quả trên địa bàn huyện Yên Châu.

Từ những cây ghép của mô hình sản xuất giống, đề tài tiến hành trồng mới được 03 ha (1.200 cây) tại xã Sặp Vạt. Hiện nay, cây được 3 năm tuổi đã cho quả bói, với trọng lượng bình quân đạt 280 - 300 gam/quả (khoảng 4 quả/kg), giá bán bình quân hiện nay khoảng từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.

Gia đình ông Hoàng Văn Phủ, bản Mệt Sai xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu là một trong 5 hộ được lựa chọn triển khai mô hình trồng mới cây xoài tròn ghép từ mắt ghép cây đầu dòng, với diện tích là 0,5 ha. Sau khi trồng, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách chăm sóc, sử dụng phân bón, phòng trừ sâu bệnh hại, cây xoài sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa, đậu quả cao, trọng lượng quả to hơn và mầu sắc của quả vàng hơn. Ông cho biết: Trước đây diện tích này gia đình trồng ngô, năng suất không được cao. Sau khi được cán bộ triển khai về phát triển trồng cây ăn quả, gia đình đăng kí chuyển đổi. Được hướng dẫn về kỹ thuật trồng giống xoài tròn, sau thời gian chăm sóc cây phát triển đều, năm nay là năm thứ 3 cây bắt đầu cho quả, gia đình thấy yên tâm và trong thời gian tới tiếp tục duy trì chăm sóc, bón phân, tưới nước theo đúng quy trình để cây phát triển cho năng suất cao.

Đoàn công tác của Sở KH&CN Sơn La kiểm tra thực tế mô hình trồng mới tại xã Sạp Vạt, huyện Yên Châu

Một trong những nội dung nghiên cứu bảo tồn giống xoài tròn đó là phương pháp ghép cải tạo, qua khảo sát thực tế, diện tích xoài tròn mang chỉ dẫn địa lý tại 3 xã Chiềng Pằn, Viêng Lán và Sặp Vạt của huyện Yên Châu khoảng 120ha, các cây xoài chủ yếu trồng quảng canh, không được chăm sóc, đốn tỉa, tạo tán, ghép cải tạo, bón phân, … dẫn đến cây đã thoái hóa, có tán cao, năng suất giảm. Từ tình hình thực tế, nhóm nghiên cứu lựa chọn và thực hiện kỹ thuật đốn trẻ lại và ghép cải tạo 1,5 ha cây xoài tròn ở các lứa tuổi khác nhau, trên thời vụ khác nhau. Trong phương pháp này: các cây ghép được cưa đốn cho trẻ hóa rồi ghép cải tạo bằng cành mắt ghép của giống xoài tròn tuyển chọn từ cây đầu dòng. Sau hơn 3 năm thực hiện, việc “cưa đốn trẻ hóa cây xoài cổ”, đến khâu chăm sóc, phát lộc, ra hoa, đậu quả đều cho ra những kết quả khả quan. Chồi xoài phát triển nhanh trên gốc "mẹ" vì hút được nhiều dưỡng chất, đề kháng dồi dào. Cây ghép sinh trưởng và phát triển tốt nhờ hoạt động tốt của bộ rễ gốc ghép và khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, đất đai của cây gốc ghép, tăng cường khả năng chống chịu của cây với điều kiện bất lợi, như: Chịu hạn, chịu úng, chịu rét và sâu bệnh,... có khả năng hồi phục sinh trưởng cây, chất lượng quả vẫn giữ nguyên vị ngọt, thơm đặc trưng của xoài Yên Châu, thời điểm thu hoạch vào tháng 5 hàng năm. Thành công của mô hình, là điều kiện rất tốt để thực hiện chủ trương tiếp tục cải tạo các diện tích cây xoài cổ thụ, ghép cải tạo bằng các mắt ghép từ cây xoài đầu dòng được tuyển chọn. Quan trọng hơn nó khắc phục được điểm yếu nhất của người trồng xoài đó là hạ thấp được độ cao, có khả năng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, không những cho quả có chất lượng tốt, năng suất cao hơn cây trồng cũ mà vẫn duy trì đặc tính của giống cây bản địa.

Đoàn công tác Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La kiểm tra mô hình đốn ghép cải tạo tại xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu

 Ông Lường Trung Hiếu - Chủ tịch Hội nông dân tỉnh (nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Yên Châu) chủ nhiệm đề tài, cho biết: Trong hơn 3 năm thực hiện, nhóm nghiên cứu triển khai đầy đủ các nội dung được phê duyệt. Từ việc xác định cây đầu dòng đến mô hình sản xuất giống, trồng mới và ghép cải tạo. Đến thời điểm này, chúng tôi khẳng định cây giống ghép, cây trồng mới, cây xoài cổ được cưa đốn trẻ hóa ghép cải tạo đều có khả năng sinh trưởng tốt, thích nghi với phương pháp, cách thức, kỹ thuật trồng của đề tài và được người dân trên địa bàn huyện nghiên cứu áp dụng. Chúng tôi hi vọng, với kết quả của đề tài sẽ là cơ sở khoa học để nhân rộng thêm diện tích và bảo tồn giống xoài tròn mang chỉ dẫn địa lý Yên Châu.

Thông qua 03 mô hình ghép cải tạo, trồng mới và sản xuất giống cây xoài giống đã tạo việc làm cho nhiều lao động của địa phương; đồng thời các lao động tham gia vào các công đoạn của đề tài đã được chuyển giao kỹ thuật, có khả năng tiếp cận trong việc đốn cải tạo, ghép cải tạo, đào hố, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây xoài. Với việc triển khai thực hiện công tác “Bảo tồn và phát triển giống xoài tròn ở Yên Châu mang chỉ dẫn địa lý”, sẽ góp phần giữ gìn giống xoài tròn Yên Châu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị thương hiệu xoài tròn Yên Châu trên thị trường.   

                                                                    Ánh Nguyệt

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang