Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn ở Trường Chính trị tỉnh Sơn La
Lượt xem: 12856

Công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các trường chính trị tỉnh được quy định tại Quy định số 09-QĐ/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư TW Đảng (khóa XII) về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Công tác nghiên cứu khoa học (NCKH), tổng kết thực tiễn ở trường chính trị bao gồm các hoạt động như: Thực hiện nghiên cứu đề tài khoa học (cấp tỉnh, cấp trường, cấp khoa); hội thảo khoa học (cấp trường, cấp khoa); biên soạn giáo trình, tài liệu; xuất bản Bản tin thông tin lý luận và thực tiễn; viết bài đăng các báo, tạp chí và trang thông tin điện tử trung ương, địa phương; giảng viên đi nghiên cứu thực tế địa phương, cơ sở.
          Hoạt động NCKH, tổng kết thực tiễn ở các trường chính trị để làm sáng tỏ, cụ thể hóa những vấn đề lý luận, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn tổ chức thực hiện trên các lĩnh vực đời sống xã hội; tổng kết thực tiễn và đề xuất với tỉnh hoạch định chủ trương, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị địa phương, cơ sở vững mạnh. Ở trường chính trị NCKH mục đích chính là để phục vụ trực tiếp nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận của nhà trường.

         Hoạt động tổng kết thực tiễn là một trong nhiệm vụ của công tác NCKH. Tổng kết thực tiễn ở các trường chính trị gồm các hoạt động: Trên cơ sở nhiệm vụ chính trị của nhà trường giảng viên lựa chọn, xác định vấn đề nghiên cứu tổng kết; thu thập, xử lý thông tin, đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp, rút ra những bài học kinh nghiệm có tính khái quát cao; liên hệ, vận dụng vào bài giảng định hướng việc tổ chức thực hiện ở địa phương, cơ sở. Tổng kết thực tiễn là năng lực của giảng viên xác định đúng vấn đề cần tổng kết một cách kịp thời, chính xác, đúng đắn để vận dụng vào nhận thức và giảng dạy lý luận chính trị. 

 Giảng dạy và NCKH, tổng kết thực tiễn là hai nhiệm vụ chính của giảng viên các trường chính trị tỉnh. Giảng dạy và NCKH là hai hoạt động có mối quan hệ hữu cơ, gắn kết chặt chẽ và hỗ trợ cho nhau. Thông qua NCKH, đội ngũ giảng viên được củng cố kiến thức lý luận và tìm tòi, phát hiện ra những luận chứng phục vụ cho công tác giảng dạy; được rèn luyện kỹ năng tư duy khoa học, bổ sung thêm kiến thức thực tiễn phong phú, đa dạng. Chất lượng công tác giảng dạy chính là phản ánh năng lực NCKH của giảng viên. Nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn tốt sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của trường chính trị.  

        Trường Chính trị tỉnh Sơn La có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh. Những năm qua, nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của hoạt động NCKH, tổng kết thực tiễn, Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường luôn quan tâm, đẩy mạnh chỉ đạo triển khai thực hiện công tác NCKH. Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ, Quy chế đào tạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Quy chế NCKH của nhà trường, hằng năm Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện.

         Hiện nay đội ngũ giảng viên có 36/48 tổng biên chế, trong đó có 01 đồng chí là chuyên viên cao cấp; 12  là giảng viên chính, 23 đồng chí giảng viên; về trình độ chuyên môn: tiến sỹ là 02 đồng chí; thạc sỹ là 25 đồng chí và 09 đồng chí đang học thạc sỹ, một số đồng chí có 2 bằng đại học; trình độ cao cấp lý luận 22 đồng chí. Với trình độ chuyên môn, lý luận đó đây là lực lượng hùng hậu trong việc NCKH và tổng kết thực tiễn phục vụ cho giảng dạy lý luận của nhà trường.

        1. Đánh giá thực trạng công tác NCKH, tổng kết thực tiễn ở Trường Chính trị tỉnh Sơn La:

         Thứ nhất, về hoạt động nghiên cứu các đề án, đề tài khoa học các cấp: Từ năm 2015 - 2020, Nhà trường đã triển khai nghiên cứu và đưa vào ứng dụng 29 đề tài, đề án cấp trường và 25 đề tài, sáng kiến kinh nghiệm cấp khoa, phòng. Các đề tài khoa học luôn có sự đổi mới về nội dung, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, Trường đã tập trung nghiên cứu, tổng kết thực tiễn về những vấn đề như: Vai trò của MTTQ và các ĐTND trong xây dựng nông thôn mới, vai trò của cấp ủy xã trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững ở các huyện nghèo của tỉnh Sơn La, Thực trạng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở tỉnh Sơn La; giải pháp nâng cao chất lượng đảng viên người dân tộc thiểu số...Ngoài ra, trường đã có nhiều giảng viên được mời tham gia vào Hội đồng phản biện đề tài khoa học cấp tỉnh và tham gia nhóm đề tài, đề án cấp tỉnh (riêng năm 2018 có 11 giảng viên tham gia nhóm đề án cấp tỉnh về thực hiện Nghị quyết 18,19 của Trung ương); các đ/c trong BGH có viết bài tham luận hội thảo ở một số cơ quan, ban ngành của tỉnh.

           Thông qua việc nghiên cứu đề tài khoa học, tổng kết thực tiễn giảng viên đã đánh giá, kiểm nghiệm thực tiễn địa phương thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách công tác lớn của Nhà nước, của tỉnh, chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục cho tỉnh, huyện, cơ sở; đồng thời để phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.

            Thứ hai, về tổ chức hội thảo khoa học: Trong 6 năm qua, nhà trường đã tổ chức được 38 hội thảo khoa học cấp trường và cấp khoa, phòng. Các hội thảo khoa học đã bám sát nhiệm vụ chính trị của nhà trường. Hội thảo cấp trường hằng năm tổ chức đã được Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, Đảng ủy khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, Sở Nội vụ có bài tham luận và đến dự, chỉ đạo với nhà trường. Năm 2019 Nhà trường đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác đào tạo, bồi dưỡng ở Trường Chính trị tỉnh Sơn La giai đoạn 2020-2025”. Đặc biệt, năm 2020, Nhà trường đã tổ chức thành công 02 Hội thảo khoa học, hội thảo lần 1 của Cụm thi đua số 02 gồm 07 trường chính trị tỉnh phía Bắc với chủ đề “Các yếu tố quyết định chất lượng bài giảng trong Chương trình Trung cấp LLCT-HC ở các trường Chính trị tỉnh”. Hội thảo lần 2 với chủ đề “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, viên chức hướng đến xây dựng Trường Chính trị tỉnh Sơn La đạt chuẩn vào năm 2025”. Các khoa, phòng chức năng của nhà trường tổ chức hội thảo 1 đến 2 lần/năm. Ngoài việc tổ chức hội thảo cấp khoa, cấp trường thì các khoa, phòng mỗi quý đã tổ chức sinh hoạt chuyên môn với các nội dung cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

           Thông qua các Hội thảo khoa học, với từng chủ đề nhà trường tổng kết thực tiễn và đề xuất với tỉnh về chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh. Đồng thời thông qua Hội thảo để đánh giá năng lực và trách nhiệm NCKH của từng giảng viên gắn với việc đánh giá chất lượng giảng dạy và mức độ hoàn thành nhiệm vụ, thi đua khen thưởng hằng năm của từng giảng viên, các khoa phòng.

             Thứ ba, về nghiên cứu biên soạn tập bài giảng chương trình Trung cấp lý luận, tài liệu cho các lớp bồi dưỡng: Năm 2016, Nhà trường đã nghiên cứu biên soạn “Tập bài giảng tình hình, nhiệm vụ của tỉnh Sơn La” trong chương trình Trung cấp lý luận; biên tập và chỉnh lí các tài liệu phục vụ giảng dạy các lớp bồi dưỡng như: “Tập tài liệu Bồi dưỡng ngạch chuyên viên và chuyên viên chính”, “Tập tài liệu Bồi dưỡng nghiệp vụ bí thư, phó bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sơn La”, “Tài liệu Bồi dưỡng về lập kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội cấp xã”... Tháng 12/2020, Trường đã triển khai biên soạn tập bài giảng “Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển địa phương”, dự kiến tháng 6 năm 2021 sẽ hoàn thành và đưa vào giảng dạy trong Chương trình TCLLCT-HC.

        Thứ tư, về xuất bản cuốn Bản tin Thông tin lý luận và thực tiễn: được duy trì xuất bản hàng năm, mỗi năm ra 02 số. Tính từ năm 2015 – 2020, Nhà trường biên tập và xuất bản được 7.400 cuốn phát hành tới các cơ quan, sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Nội dung cuốn Bản tin đăng tải các bài viết thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về các lĩnh vực liên quan đến nhiệm vụ chính trị nhà trường; thông tin chỉ đạo của Học viện Chính trị quốc gia HCM đối với trường chính trị; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về chuyên môn giảng dạy; tổng kết các mô hình phát triển KT-XH của địa phương...Đặc biệt là bài viết về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng luôn được Nhà trường chú trọng. Tác giả tham gia viết bài cho bản tin từ các cơ quan như: Ban Tuyên giáo, Ban Tổ chức tỉnh ủy, Sở Nội vụ...; các Trung tâm bồi dưỡng Chính trị huyện, thành phố; các thế hệ cán bộ đã nghỉ hưu ; giảng viên, chuyên viên nhà trường.

         Ngoài các hoạt động khoa học trên, giảng viên nhà trường viết và được đăng bài trên các báo, tạp chí, bản tin, trang thông tin điện tử của các cơ quan, ban ngành ở trung ương và địa phương, trang Web của nhà trường với số lượng hơn 200 bài và tin/năm.

           Để phục vụ tốt cho việc NCKH, tổng kết thực tiễn Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường rất quan tâm, có kế hoạch đưa các giảng thâm nhập, nghiên cứu thực tế tại cơ sở. Theo quy đinh mỗi giảng viên phải đi thực tế cơ sở từ 10-15 ngày/năm. Từ năm 2018-2020, nhà trường cử 03 giảng viên đi nghiên cứu thực tế dài hạn tại cơ sở từ 6 tháng đến 1 năm. Mỗi năm có khoảng 100 lượt giảng viên, viên chức nhà trường đi thực tế ở các tỉnh, địa phương, cơ sở. Thông qua nghiên cứu thực tế giảng viên đã thu thập được nhiều kiến thức thực tiễn sinh động từ cơ sở để phục vụ cho hoạt động NCKH, tổng kết thực tiễn và giảng dạy lý luận gắn với thực tiễn.

          Kết quả hàng năm 100% giảng viên thực hiện đủ số giờ NCKH và vượt định mức theo quy định. Tính từ 05 năm trở lại đây nhà trường đã thực hiện được trên 50.000 giờ khoa học, hằng năm Nhà trường đã vượt định mức khoảng 30% số giờ khoa học theo quy định của Học viện. Với những kết quả đạt được cho thấy hoạt động NCKH, tổng kết thực tiễn của Nhà trường đã đóng góp tích cực vào kết quả thưc hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường trong những năm qua và được Học viện Chính trị quốc gia HCM, Tỉnh ủy đánh giá cao.

           Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, hoạt động NCKH, tổng kết thực tiễn ở Trường Chính trị tỉnh Sơn La vẫn còn những hạn chế: một số đề tài nghiên cứu về hiệu quả và tính ứng dụng chưa cao; số đề tài cấp tỉnh mà giảng viên nhà trường được làm chủ nhiệm nghiên cứu còn rất ít; số lượng bài viết của giảng viên cho Bản tin còn ít và chất lượng chưa cao. Một số giảng viên chưa thật sự nhiệt tình và say mê trong NCKH; vẫn còn hiện tượng giảng viên đi nghiên cứu thực tế mang tính hình thức chưa thực sự gắn với nhiêm vụ NCKH, tổng kết thực tiễn. Vẫn còn một số cuộc hội thảo và việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn của cấp khoa hiệu quả chưa cao.

         Nguyên nhân của hạn chế nêu trên: Việc định hướng và lựa chọn nội dung nghiên cứu của một số đề tài chưa thực sự thiết thực. Một số giảng viên chưa xác định hết trách nhiệm và động lực của bản thân trong NCKH và tổng kết thực tiễn; những giảng viên trẻ mong muốn được nghiên cứu nhưng lại chưa có nhiều kinh nghiệm; một phần do kinh phí chi cho hoạt động NCKH còn thấp; do nhà trường chưa rõ về cơ chế bắt buộc, động viên, khuyến khích giảng viên tích cực NCKH; quy trình, cách thức phê duyêt, thẩm định một số hoạt động NCKH còn chưa chặt chẽ, chậm. thiếu tính khoa học...

          2. Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác NCKH, tổng kết thực tiễn ở trường Chính trị tỉnh trong những năm tới:      

            Một là, Trường Chính trị tỉnh cần phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong xác định, lựa chọn nội dung nghiên cứu và tổng kết. Đặc biệt, sự quan tâm và hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La đây là một cơ sở quan trọng để tạo điều kiện cho trường Chính trị nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác NCKH, tổng kết thực tiễn từ đó đề xuất với tỉnh hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế -xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương.

           Hai là, Nhà trường tăng cường lãnh, chỉ đạo và đổi mới cách thức tổ chức, quản lý chặt chẽ để có hiệu quả thiết thực hơn trong hoạt động đi nghiên cứu thực tế hằng năm của giảng viên; gắn kết chặt chẽ giữa việc đi nghiên cứu thực tế với nhiệm vụ NCKH và chuyên môn giảng dạy của giảng viên và nhà trường; góp phần tháo gỡ những vấn đề thực tiễn đặt ra của địa phương, cơ sở. 

 

  Ba là, Ban Giám hiệu chỉ đạo các khoa chuyên môn chọn nội dung đề tài nghiên cứu có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhiệm vụ của trường và yêu cầu thực tiễn của địa phương; đổi mới cách thức nghiệm thu sản phảm khoa học của giảng viên. Tạo cơ chế bắt buộc, động viên khuyến khích để giảng viên có động lực và say mê với hoạt động NCKH, đặc biệt trong việc nghiên cứu làm đề tài cấp trường, sáng kiến kinh nghiệm cấp khoa, phòng. Kết quả NCKH là căn cứ, tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ giảng viên, gắn liền với công tác thi đua - khen thưởng. 

 

            Bốn là, Về chủ đề hội thảo khoa học cấp khoa, cấp trường cần bổ sung thêm nội dung chủ đề về “Trao đổi giải pháp nâng cao chất lượng NCKH, nghiên cứu thực tế của giảng viên; nâng cao hiệu quả nghiên cứu thực tế của học viên các lớp Trung cấp LLCT-HC”qua hội thảo là diễn đàn các giảng viên trao đổi về các phương pháp, kỹ năng về nghiên cứu đề tài, cách viết tin bài để đăng báo, tạp chí, trang Web, viết bài hội thảo... Nhà trường tạo điều kiện cho giảng viên có cơ hội được tham gia viết bài ở Hội thảo các sở, ngành của tỉnh mà liên quan lĩnh vực bộ môn giảng dạy, qua đó giảng viên thu thập và bổ sung thêm kiến thức thực tiễn phong phú.

           Năm là, Đối với Phòng QLĐT&NCKH cần chủ động hơn trong công tác tham mưu cho BGH về hoạt động NCKH, nghiên cứu thực tế của giảng viên như: về xây dựng kế hoạch dài hạn, ngắn hạn, góp ý bổ sung quy chế NCKH, sơ tổng kết rút kinh nghiệm; Phòng cần có sự phối hợp chặt chẽ với các khoa, phòng trong quá trình tổ chức thực hiện NCKH.

Sáu là, Đối với mỗi giảng viên cần phải xác định NCKH vừa là quyền lợi vừa trách nhiệm do đó cần phải tích cực, chủ động trong NCKH để nâng cao năng lực tư duy khoa học, khả năng phát hiện, giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, gắn lý luận với thực tiễn nâng cao uy tín của người giảng viên khi giảng dạy lý luận chính trị. Đồng thời, góp phần nâng cao vị thế của Nhà trường thông qua việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh.

         Nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn là hoạt động rất quan trọng và thiết thực đối với Trường Chính trị tỉnh để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đồng thời nhà trường đề xuất với tỉnh về chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị góp phần xây dựng quê hương Sơn La giàu đẹp./.

                                                                                                         Bùi Thị Hậu                                                                               

                                                                                  Trường Chính trị tỉnh Sơn La

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang