BỆNH HẠI CHÍNH TRÊN CÂY CHANH LEO VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ TỔNG HỢP
Lượt xem: 11071

Chanh leo được  trồng tại Sơn La năm 2015, là loại cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, năng suất trung bình 1ha đạt khoảng 15-20 tấn, thu nhập đạt từ 120 đến 150 triệu đồng . Tuy nhiên Chanh leo có rất nhiều sâu bệnh hại nhất là bệnh do virut. Sâu, bệnh hại chính là yếu tố ảnh hưởng lớn tới sản xuất chanh leo tại Sơn La. Dịch hại làm tàn lụi cây, ngọn bị đùn, lá ngả màu vàng, hoa và quả non rụng hàng loạt, quả ở giai đoạn sắp thu hoạch thì sần sùi, móp méo, hình thức mẫu mã và chất lượng đều giảm... gây thiệt hại lớn về năng suất và chất lượng sản phẩm, đã có nhiều hộ gia đình  phải hủy bỏ mất trắng cả vườn do dịch hại. Hiện nay, chưa có kết quả điều tra cơ bản nào về thành phần thiên địch trên cây chanh leo. Do đó, việc điều tra nghiên cứu thành phần dịch hại trên cây chanh leo là cần thiết nhằm góp phần sản xuất bền vững cây chanh leo tại Sơn La.

1. Kết quả điều tra đánh giá thành phần sâu bệnh hại chính

          Qua điều tra tại 3 địa điểm gồm; Mộc Châu, Mai Sơn, Thuận Châu  Thu thập mẫu sâu bệnh hại gửi Trung tâm Bệnh viện cây trồng - Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Trung tâm Kiểm dịch sau nhập khẩu I - Cục Bảo vệ Thực vật để giám định.

Kết quả giám định kết luận bước đầu đã xác định được 8 loài bệnh chính thường xuất hiện gây hại. Tuy nhiên, mức độ xuất hiện của mỗi loài sinh vật hại là khác nhau, tùy thuộc vào từng thời kỳ. 

          Kết quả điều tra thành phần bệnh  hại như sau:

Bảng 1. Thành phần bệnh  hại trên cây Chanh leo tại Sơn La

TT

Tên Việt Nam

Tên khoa học

Bộ phận bị hại

Mức độ phổ biến

Mai Sơn

Thuận Châu

Mộc Châu

1

Bệnh đốm xám

Septoria passiflorae

Lá, thân, quả

+++

+++

+++

2

Bệnh thán thư

Colletotrichum sp

Lá, thân, quả

++

++

++

3

Bệnh đốm nâu

Alternaria sp

Lá, thân, quả

+++

+++

+++

4

Bệnh thối quả

Phytopthora nicotianae

Lá, chồi, thân, quả

+++

+++

+++

5

Bệnh thối gốc

Fusarium solani

Gốc

+

+

+

6

Bệnh thối hạch

Sclerotinia sclerotiorum

Gốc, quả

-

-

-

7

Bệnh do vi rút hóa bần

Passion fruit woodiness (PWV)

Quả, ngọn và chồi

+

+

+

8

Bệnh ghẻ quả

Cladosporium

Quả

+

+

+

          Ghi chú:

-   Ít gặp (tần suất bắt gặp < 5%).

           +  Lẻ tẻ (tần suất bắt gặp ≥ 5% -15%).

++ Phổ biến (tần suất bắt gặp ≥ 15% - 30%).

+++ Rất phổ biến (tần suất bắt gặp ≥ 30 %).

Kết quả điều tra cho thấy: Cây chanh leo có rất nhiều bệnh hại, bệnh xuất hiện trên tất cả các bộ phận của cây (trên cả rễ, thân, lá quả) song mỗi bệnh có mức độ phổ biến và gây hại khác nhau trên cây. Qua kết quả bảng 1 ta có thể thấy, các bệnh như: đốm nâu, thán thư, thối Phytophora, khô cành có mức độ phổ biến cao (ở mức +++) gây ảnh hưởng tới năng suất cũng như chất lượng của cây chanh leo. Các triệu chứng bệnh được ghi nhận và giám định gồm: đốm nâu, thán thư, khô cành, thối Phytophora, thối Fusarium ... còn có một số bệnh như: Vàng lá còi cọc, phình thân … cũng xuất hiện nhưng ít hơn và mức độ gây hại thấp hơn.

Với bệnh thối rễ Fusarium mặc dù là bệnh mới xuất hiện trong đợt điều tra gần đây và không xuất hiện nhiều trên các ruộng tiến hành điều tra nhưng bước đầu cho thấy sự giống nhau về triệu chứng gây hại trên thân cây và hình ảnh bào tử nấm.

2. Triệu chứng một số loại bệnh hại

            a) Bệnh đốm nâu

Triệu chứng bệnh đốm nâu trên quả

- Trên quả: Vết bệnh là những đốm tròn có màu nâu đỏ, bệnh thường tấn công gây hại ở bất kỳ vị trí nào trên quả. Vết bệnh lõm xuống, ở chính giữa vết bệnh cũ có một lớp nấm màu đen phát triển, kích thước vết bệnh lớn từ 1 – 3cm. Bệnh nặng nhiều vết bệnh liên kết lại với nhau làm hỏng và rụng quả.

- Trên lá: Vết bệnh có màu nâu đỏ, đốm tròn đều, màu nâu đỏ, xung quanh vết bệnh có màu nâu sậm, có vòng đồng tâm, kích thước vết bệnh lớn từ 1 – 10mm. vết đốm thường kéo dài dọc theo gân lá và khô ở trung tâm. Bệnh nặng nhiều vết bệnh liên kết lại với nhau làm rách lá.

Trên thân: xuất hiện các vết bệnh màu nâu đậm kéo dài gần cuống lá hoặc nơi thân được buộc dây chống đỡ, và khi chúng xảy ra ở nách lá có thể làm chết những dây leo, kết quả lá bị bệnh chết mầm lá.

          b) Bệnh thối Phytophthora

 Trên quả: Bệnh thối Phytophthora hại trên quả chanh leo có triệu chứng vết bệnh có màu xanh nâu, giữa mô bệnh và mô khỏe rõ ràng, kích thước vết bệnh lớn. Khi bệnh mới xuất hiện thì chúng ta có thể thấy các giọt dịch màu nâu xung quanh vết bệnh. Khi gặp điều kiện thuận lợi (sương mù, ẩm ướt) vết bệnh lây lan nhanh phủ kín cả quả. Bệnh nặng làm thối mền cả quả và ngửi thấy mùi hơi chua.

Triệu chứng bệnh thối Phytophthora hại trên quả chanh leo

- Trên lá: Vết bệnh xuất hiện bất kỳ vị trí nào trên lá, kích thước vết bệnh rất lớn và thường có màu xanh xám, giữa mô bệnh và mô khỏe không rõ ràng, bệnh thường phát triển rất nhanh và lan xuống cả cành, cả dây và quả chanh dây. Bệnh nặng làm chết cây.

- Trên cây: quan sát các bộ phân của cây thì phần gốc bị hư, nhổ cây lên thấy rễ hư hoàn toàn và làm cây chết.

c) Bệnh thán thư

Vết bệnh thán thư trên quả

- Trên quả: Vết bệnh là những đốm tròn có màu nâu, xung quanh vết bệnh có viền màu xanh xám, kích thước vết bệnh nhỏ từ 1 – 3mm. Vết bệnh thường lan ra cả quả với mức độ lớn gần như bao phủ toàn bộ quả.

- Trên lá: Vết bệnh có hình dạng bất định, nàu nâu sậm, kích thước vết bệnh từ 1 – 4mm. Trên vết bệnh cũ ta có thể thấy được các bọc bào tử màu đen trên đó.

            d) Bệnh khô cành

- Bệnh khô cành hại chanh leo có triệu chứng vết bệnh là những đốm trên cành, màu nâu xám, bệnh nặng nhiều đốm liên kết lại với nhau làm khô cả cành chanh dây.

            đ) Bệnh ghẻ quả (sẹo quả)

Triệu chứng bệnh ghẻ quả

- Ban đầu là những đốm nhỏ li ti phát triển trên quả, sau đó vết bệnh lớn dần và nhô lên trên bề mặt quả, làm cho quả sần sùi và đôi khi bị méo mó. Vết bệnh cũ sẽ bị nứt ra.

            e) Bệnh héo quả

Triệu chứng bệnh héo quả

Triệu chứng điển hình là trái bị nhăn nheo, teo tóp lại, dễ rụng, thường xuất hiện khi trái còn xanh. Bệnh làm cho trái bị chín non. 

3. Biện pháp phòng trừ  tổng hợp

1. Sử dụng giống sạch bệnh:

Hiện tại chưa có giống kháng bệnh rõ rệt, vì vậy cần khảo sát các giống mới ít nhiễm bệnh virut,chống chịu được sâu bệnh, thích nghi với điều kiện địa phương và có năng suất cao để phục vụ sản xuất.

2. Biện pháp canh tác:

Luân canh cây trồng: không trồng chanh leo trên đất đã trồng các cây họ cà: cà, khoai tây, thuốc lá, dưa chuột...vì các loại cây trồng này là ký chủ loại virut hại chanh leo.

Sử dụng phân bón cân đối và hợp lý, tránh bón quá nhiều đạm, đặc biệt là trong điều kiện mùa mưa.

Vệ sinh đồng ruộng, phòng trừ các nguyên nhân lây nhiễm: thường xuyên cắt tỉa chồi, lá bệnh, quả bệnh và đem tiêu hủy, tưới đủ nước, giữ nước trong mùa khô.

Trong quá tŕnh cắt tỉa những cành lá già bị sâu bệnh không được chạm vào cây khỏe nên đeo găng tay bảo vệ. Xử lý tiệt trùng dụng cụ, quần áo bảo hộ lao động sau khi chăm sóc vườn cây.

3. Biện pháp hóa học:

Dùng bẫy dính màu vàng để thu hút các loại côn trùng chích hút, dùng giấy bạc, tạo ánh sáng phản xạ xua đuổi côn trùng.

Phun phòng  ngay từ đầu một số đối tượng trung gian lây truyền virut như các loại rệp, bọ phấn bằng các loại thuốc như: Actara 25WP, Confidor 100SL, Oshin 20 WP, Success 25SC, Vertimec 1.8EC, Dầu khoáng DS 98.8 EC.

 4. Quản lý cỏ dại

          Cây chanh leo là cây thân thảo, hơn nữa bộ rễ chum ăn nông nên tuyệt đối không nên sử dụng các loại thuốc trừ cỏ kể cả các hoạt chất làm cỏ chết nhanh hoặc các hoạt chất nội hấp làm cỏ chết dần. Tốt nhất nên dung các biện pháp xới xáo cỏ thủ công hoặc bằng máy móc vừa làm cho đất tơi xốp rất tốt cho sự phát triển của bộ rễ hơn nữa các biện pháp này sẽ làm đứt bớt các loại rễ đã già tạo điều kiện cho bộ rễ mới phát triển.

                                                                           Thạc sĩ. Dương Gia Định

                                       Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang