Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao – Cần có những đề xuất và giải pháp phù hợp
Lượt xem: 261
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một giải pháp quan trọng, một hướng đi đúng để tạo ra sự biến đổi căn bản về chất của nền nông nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Đặc biệt đối với tỉnh Sơn La thì việc phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hết sức cần thiết nhằm khai thác
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một giải pháp quan trọng, một hướng đi đúng để tạo ra sự biến đổi căn bản về chất của nền nông nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Đặc biệt đối với tỉnh Sơn La, việc phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hết sức cần thiết nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, tăng nhanh giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất, tăng khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, phấn đấu mức tăng trưởng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hàng năm đạt từ 4% - 5%.
Để có cơ sở khoa học cho việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước cho những năm tới. Trong 2 năm 2016-2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PT) tỉnh đã triển khai nghiên cứu xây dựng đề án "Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2025” do bà Cầm Thị Phong - Phó giám đốc Sở NN&PT nông thôn làm chủ nhiệm. Quá trình nghiên cứu đề án, nhóm thực hiện đã tìm hiểu bài học kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam và các nước trên thế giới như: Isarel, Nhật Bản, Trung Quốc. Đồng thời, tiến hành khảo sát hiện trạng phát triển nông nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2011 - 2016 tại 12 huyện, thành phố. Qua khảo sát cho thấy, tỉnh Sơn La hiện có trên 350.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, đa số đất đai còn màu mỡ, tầng canh tác dày với nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau. Đây là lợi thế để phát triển các loại cây công nghiệp (chè, mía, cà phê, cao su...), cây ăn quả (xoài, nhãn, dứa, na, chuối...), rau, hoa, dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản tập trung, quy mô lớn và đa dạng hóa các sản phẩm nông sản mang tính đặc trưng của địa phương, xây dựng sự liên kết sản xuất theo chuỗi có ý nghĩa quan trọng mang tính quyết định quy mô sản xuất nông nghiệp; thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng. Chính vì vậy, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh đầu tư thâm canh, đưa các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có chất lượng vào thực tiễn sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân. Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản năm 2016 tăng 14,84% so với năm 2011, bình quân tăng 2,81%/năm; giá trị thu nhập trên 01 ha đất canh tác đạt 34 triệu đồng và 115 triệu đồng trên 01 ha nuôi trồng thủy sản; cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, nhất là các thị trường cao cấp, bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu tập trung và mối liên kết giữa Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông - Nhà khoa học.


Hội đồng nghiệm thu Đề án ""Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2025”

Trong lĩnh vực trồng trọt có nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ đã được đưa vào ứng dụng rộng rãi, nhất là các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, công nghệ nhà lưới, nhà kính, tưới nhỏ giọt theo công nghệ Isarel. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 200.000 m2 nhà lưới, nhà kính để sản xuất rau an toàn, hoa cao cấp điển hình như công ty cổ phần hoa nhiệt đới có 150.000m2 nhà kính, nhà lưới trồng các loại hoa cao cấp, công ty GreenFarm với 25.000m2 trồng rau củ, quả an toàn; gần 50 ha cà phê, cây ăn quả tại huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Vân Hồ, thành phố Sơn La sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tiết kiệm kết hợp bón phân hòa tan, trên 4.000 ha ứng dụng ghép mắt nhãn cải tạo vườn nhãn chất lượng cao bằng giống nhãn chín sớm, chín muộn tập trung chủ yếu tại huyện Sông Mã, Mai Sơn, Mộc Châu, Yên Châu mỗi năm mang lại giá trị trên 200 triệu đồng/1ha. Bên cạnh đó các mô hình phục tráng, cải tạo thâm canh vườn cam, quýt tại Vân Hồ, thành phố Sơn La; ghép cải tạo diện tích gần 750ha bằng giống xoài Đài Loan, xoài Thái tại Mộc Châu, Mai Sơn, Mường La, Yên Châu cũng được đánh giá cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập bình quân từ 280-400 triệu đồng đối với 1ha trồng xoài.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, những năm qua nhiều cá nhân, HTX, doanh nghiệp quan tâm phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, chú trọng cải tạo giống và chuyển giao kỹ thuật, mở rộng mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với các hộ gia đình để phát triển chăn nuôi, gắn với mở chợ buôn bán trao đổi đại gia súc, gồm: Nhà máy chế biến thức ăn TMR, Trang trại chăn nuôi bò sữa của Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu; Chăn nuôi lợn giống, lợn siêu nạc ứng dụng công nghệ cao tại Doanh nghiệp tư nhân Minh Thúy; Doanh nghiệp tư nhân Thương mại dịch vụ Lộc Phát.
Song song với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Tỉnh Sơn La có những chính sách khuyến khích hình thành phát triển doanh nghiệp KHCN, hiện toàn tỉnh có có 05 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được cấp Giấy chứng nhận là doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Các doanh nghiệp này đều có sản phẩm hàng hóa hình thành từ các sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, ứng dụng công nghệ tạo ra giống cây trồng chất lượng được cấp bằng bảo hộ như: Công ty Cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung, huyện Mai Sơn với sản phẩm là giống ngô lai LVN10, LVN61, LVN8960, LVN99, doanh thu đạt trên 28 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Green Farm Mộc Châu với giống cà chua ghép trên gốc cà tím, cà chua và dưa chuột thương phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2016, Công ty sản xuất cung cấp ra thị trường 2,5 triệu cây giống cà chua ghép trên gốc cà tím và 100 tấn cà chua thương phẩm, tổng doanh thu đạt được trên 3,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Sơn La chưa hình thành được khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để thực hiện các nhiệm vụ như: Thực hiện các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Liên kết các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; Đào tạo nhân lực công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; Tổ chức hội chợ, triển lãm, trình diễn sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Thu hút nguồn đầu tư, nhân lực công nghệ cao trong nước và ngoài nước thực hiện hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.Chưa hình thành được công nghiệp bảo quản, chế biến một số mặt hàng nông sản như công nghiệp bảo quản, chế biến: thức ăn gia súc, sắn, ngô….
Qua kết quả triển khai thực hiện đề án đã đưa ra dự báo các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh bao gồm: thị trường tiêu thụ sản phẩm, thương mại hóa công nghệ cao ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tiêu thụ trong nước và xuất khẩu...v. Đồng thời, cũng đưa ra 8 nội dung đề xuất quan trọng trong đề án đó là: Ứng dụng công nghệ cao trong chọn, tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản cho năng suất, chất lượng cao, rõ nguồn gốc và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép sản xuất kinh doanh; Ứng dụng công nghệ cao trong: sản xuất; phòng trừ dịch hại cây trồng, vật nuôi và thủy sản; bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp; Xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Thủy lợi; Phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đào tạo nguồn nhân lực, quy hoạch hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung có quy mô phù hợp với từng địa phương, ngành nông nghiệp để phát triển nông nghiệp bền vững.
Hướng tới mục tiêu đến năm 2025, trên địa bàn mỗi huyện, thành phố hình thành 1 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trở lên được cấp có thẩm quyền công nhận; cả tỉnh có ít nhất 05 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 45 - 50% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả tỉnh. Để đạt được mục tiêu trên, đề án đề xuất 8 giải pháp bao gồm: giải pháp tuyên truyền, phổ biến, quy hoạch, đất đai, vốn, cơ chế, chính sách; Khoa học và công nghệ; Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải pháp phát triển thị trường, dịch vụ hỗ trợ hoạt động công nghệ cao. Trong đó có 2 giải pháp được một số huyện mong muốn tỉnh quan tâm đó là giải pháp về đất đai và cơ chế chính sách nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại địa phương có hiệu quả. Ngoài ra, giải pháp về khoa học công nghệ phục vụ sản xuất hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh theo hướng bền vững gắn với việc giám sát, đánh giá hiện trạng, chất lượng môi trường được quan tâm nhằm giảm các tác động xấu đến môi trường.
Kết quả đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2016 - 2025 là cơ sở khoa học để tỉnh Sơn La tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và hội nhập kinh tế quốc tế.
ánh Nguyệt

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang