LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ HUYỆN YÊN CHÂU GIAI ĐOẠN 1945 – 2015
Lượt xem: 194
Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Châu đã được nghiên cứu, biên soạn giai đoạn 1945 – 1995, và xuất bản, phát hành năm 2001
Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Châu đã được nghiên cứu, biên soạn giai đoạn 1945 – 1995, và xuất bản, phát hành năm 2001. Sau 15 năm phát hành, Ban Thường vụ huyện ủy Yên Châu đã nhận được những ý kiến đóng góp, tư liệu quan trọng liên quan đến lịch sử Đảng bộ huyện mà trước đây chưa có điều kiện thẩm định để đưa vào nội dung cuốn sách. Bên cạnh đó, giai đoạn lịch sử 1996 - 2015 có nhiều bước ngoặt quan trọng đối với Đảng bộ huyện Yên Châu. Với mục tiêu nghiên cứu, biên soạn bổ sung Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Châu (1945 - 1995) và viết tiếp giai đoạn (1996 – 2015) một cách chi tiết, hệ thống đảm bảo chính xác sự kiện lịch sử, thời gian, diễn biến, kết quả và ý nghĩa các sự kiện lịch sử trọng đại của Đảng bộ huyện Yên Châu suốt 70 năm qua. Tháng 3/2016 Huyện ủy huyện Yên Châu đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu, chỉnh lý, biên soạn, bổ sung Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Châu (1945 - 2015)”, ông Nguyễn Thế Sang - Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Yên Châu làm chủ nhiệm.

Hội thảo khoa học lần thứ hai Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Châu (1945-2015)
Ngay sau khi đề tài được phê duyệt, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành sưu tầm, thống kê, bổ sung các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với phong trào cách mạng huyện Yên Châu từ năm 1945 đến năm 2015 cũng như các văn bản chỉ đạo của tỉnh, của huyện. Đồng thời gặp gỡ, xin ý kiến các nhân chứng lịch sử để ghi lại những thành tích quan trọng, nổi bật của Đảng bộ huyện Yên Châu; những sự kiện, nhân vật lịch sử tiêu biểu cho mỗi giai đoạn phát triển của Đảng bộ huyện, các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân các dân tộc trong chiến đấu, sản xuất, học tập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua gần 02 năm triển khai, đến nay, Ban biên soạn đã hoàn thành bản thảo cuốn lịch sử Đảng bộ huyện Yên Châu bao gồm 7 chương với 20 chuyên đề đã khắc hoạ rõ nét các hoạt động của Đảng bộ huyện Yên Châu qua các giai đoạn:
Giai đoạn 1945-1954, được sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh bộ Việt Minh, nhân dân các dân tộc Yên Châu vùng lên đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám. Ngày 11-6-1948, Chi bộ Yên Châu được thành lập (nay là Đảng bộ huyện Yên Châu), trực tiếp lãnh đạo nhân dân các dân tộc Yên Châu thực hiện các phong trào cách mạng trong công cuộc đấu tranh, giành độ lập cho quê hương, đất nước. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cùng với các huyện trong toàn tỉnh, Yên Châu đã xây dựng lực lượng, phát triển phong trào kháng chiến toàn dân, toàn diện, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, tình đoàn kết gắn bó của đồng bào các dân tộc chiến đấu và lao động sản xuất; giúp cách mạng Lào xây dựng khu căn cứ (nay là Khu di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô xã Phiêng Khoài). Năm 1952, cùng với bộ đội, nhân dân các dân tộc trong huyện đã giải phóng quê hương Yên Châu; củng cố chính quyền cách mạng, tham gia kháng chiến chống Pháp, góp phần to lớn vào chiến dịch giải phóng Tây Bắc năm 1952 và Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.
Giai đoạn 1955-1965, Đảng bộ huyện Yên Châu đã lãnh đạo nhân dân hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa và xã hội, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, xây dựng chủ nghĩa xã hội trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ một huyện miền núi nghèo nàn, lạc hậu, đồng bào bị áp bức, bóc lột, sau 10 năm xây dựng cơ sở vật chất, đời sống của đồng bào các dân tộc được ổn định và cải thiện, đồng bào được làm chủ bản, mường; kinh tế - xã hội từng bước phát triển...
Giai đoạn 1965-1975, Đảng bộ huyện lãnh đạo nhân dân vừa sản xuất, vừa chiến đấu, góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, xây dựng hậu phương vững mạnh và tích cực chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Yên Châu không chỉ là mặt trận trực tiếp chống chiến tranh phá hoại của địch, mà còn là hậu phương vững chắc đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến và làm tròn nhiệm vụ quốc tế với nước bạn Lào. Hàng ngàn người con của quê hương Yên Châu hăng hái lên đường tòng quân đánh giặc, hàng trăm chiến sĩ vượt bom đạn, xung kích diệt thù, máu đào của các anh hùng liệt sỹ đã tô thắm thêm lá cờ quyết chiến quyết thắng của Tổ quốc. Lực lượng dân quân du kích thực hiện tốt nhiệm vụ vừa tích cực tăng gia sản xuất, vừa chiến đấu anh dũng kiên cường bên cạnh bộ đội phòng không phối hợp bắn rơi 6 máy bay Mỹ, cùng lực lượng công an xung phong tóm gọn nhiều toán biệt kích, thổ phỉ, gián điệp Mỹ và tay sai, góp phần bảo vệ quê hương.
Trong 10 năm đầu cùng nhân dân cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội (1975-1985), quân và dân các dân tộc huyện Yên Châu phối hợp với nhân dân cả nước xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đảng bộ huyện Yên Châu tiến hành khôi phục và phát triển kinh tế củng cố hệ thống chính trị, giữ vững an ninh quốc phòng, thực hiện kế hoạch 5 năm 1981-1985, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, cải thiện đời sống cho nhân dân.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng trong 30 năm qua (1986-2015) nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu phát huy cao độ truyền thống đoàn kết nhất trí, tự lực, tự cường vươn lên xây dựng cuộc sống mới và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Sau 30 năm đổi mới, từ một huyện miền núi nghèo nàn, lạc hậu, Yên Châu đã vượt lên phát triển kinh tế khá nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đặc biệt, bản thảo cuốn sách đã bổ sung những sự kiện lịch sử quan trọng trước đây chưa được làm rõ như nhân sự của các kỳ Đại hội Đảng bộ trước năm 1975; sự kiện thành lập chi bộ, đảng bộ huyện, vai trò và ý nghĩa lịch sử khu di tích cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô xã Phiêng Khoài huyện Yên Châu, di tích Bác Hồ về thăm và nói chuyện với nhân dân các dân tộc Yên Châu năm 1959... tất cả đều được tái hiện một cách chân thực, sống động về một thời hào hùng của quân và dân huyện Yên Châu.
Trong tháng 11/2017, Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh nghiệm thu đạt yêu cầu. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là nguồn tư liệu quý phục vụ tốt công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ các xã, thị trấn của huyện Yên Châu; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tôn vinh những đóng góp to lớn của nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giáo dục lịch sử truyền thống cho thế hệ trẻ của dân tộc.
Bích Đào
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang