Mô hình trồng và chăm sóc một số cây dược liệu tại huyện Vân Hồ và Mộc Châu tỉnh Sơn La
Lượt xem: 2861

Với những lợi thế đặc thù về địa hình và khí hậu, huyện Vân Hồ và Mộc Châu được xem là một trong những huyện trọng điểm của tỉnh Sơn La để quy hoạch và phát triển vùng dược liệu. Để phát triển cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, ổn định, lâu dài và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, năm 2017, Công ty cổ phần Dược liệu Vân Hồ tiến hành triển khai mô hình trồng và chăm sóc một số cây dược liệu trên địa bàn hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ. Đây là nội dung thuộc dự án KH&CN cấp tỉnh Xây dựng mô hình Hợp tác xã trồng và sơ chế một số loại cây dược liệu có giá trị kinh tế tại tỉnh Sơn La theo hướng phát triển bền vững”. Sau 2 năm triển khai, mô hình đã có kết quả khả quan, đây là cơ sở khoa học để hình thành vùng trồng dược liệu tập trung có chất lượng tốt.

Theo kết quả điều tra đánh giá nguồn tài nguyên dược liệu của Viện Dược Liệu Việt Nam, trên địa bàn tỉnh Sơn La có đến 562 loài cây thuốc. Trong đó, một số chủng loại cây như: Đương quy, Giảo cổ lam, Nưa… có lợi thế để phát triển tại những vùng núi cao, khí hậu mát mẻ tại các huyện Mộc Châu, Vân Hồ. Tuy nhiên, qua nghiên cứu và khảo sát cho thấy việc canh tác còn rất nhiều bất cập, cơ cấu chủng loại về bộ giống cây dược liệu chất lượng cao còn thiếu, trình độ cũng như ý thức trong sản xuất dược liệu của người dân còn hạn chế, diện tích trồng cây dược liệu còn quá ít. Chính vì vậy, để cây dược liệu thực sự trở thành cây xóa đói, giảm nghèo và là cây làm giàu cho người nông dân thì bên cạnh việc ứng dụng bộ giống mới, người dân cần phải được tập huấn một cách đầy đủ về ý thức và kỹ thuật sản xuất cây thuốc an toàn,chất lượng và bền vững.

Qua đánh giá xác định loại và phân cấp khả năng thích hợp đất đai, tháng 8/2017, Dự án tiến hành xây dựng mô hình trồng, chăm sóc 2 ha Giảo cổ lam tại hợp tác xã (HTX) rau củ quả dược liệu Bống Hà huyện Vân Hồ và 1 ha cây Đương qui tại Hợp tác xã Dược liệc sạch Phương Ngân của huyện Mộc Châu. Sau thời gian trồng và chăm sóc, dưới sự hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật, kết quả đánh giá năng suất cá thể lô sản xuất Đương qui cho thấy, khối lượng củ tươi trung bình ở huyện Mộc Châu đạt 110,6 g/củ, năng xuất thực thu là 1825,6 kg/ha dược liệu khô, tại huyện Vân Hồ đạt thấp hơn, trung bình chỉ đạt 98,9 g/củ tươi và 1682,8 kg/ha dược liệu khô. Kết quả phân tích hàm lượng tinh dầu (z-ligustilid) trong các mẫu dược liệu ở cả 2 mô hình đạt 41,8-45,1%, chất lượng sản phẩm Đương qui được trồng tại Mộc Châu và Vân Hồ đều cao hơn đáng kể so với qui định về chất lượng dược liệu.

 

Mô hình trồng cây Đương qui tại Hợp tác xã Dược liệu sạch Phương Ngân, huyện Mộc Châu

Đối với mô hình Giảo cổ lam được triển khai trồng ở 2 thời vụ (vụ thu năm 2017 và vụ xuân năm 2018) tại huyện Vân Hồ trên vùng đất đồi chuyên trồng ngô 1 vụ, quá trình trồng chăm sóc được áp dụng theo đúng qui trình cánh tác phù hợp, kết quả năng suất giảo cổ lam thu được đạt từ 6,05-6,09 tấn/ha/lứa tươi, tương đương 1,05-1,75 tấn/ha/lứa khô. Tỷ lệ tươi/khô khoảng 5,70-5,76, lãi thuần của mô hình trồng Giảo cổ lam đạt 197,300,000 đồng/ha. Đây là mô hình hiệu quả, khuyến khích cho phát triển để người dân nâng cao thu nhập.

Bên cạnh việc đánh giá hiệu quả kinh tế của từng mô hình, dự án còn xây dựng được bản đồ đề xuất vùng sản xuất các loại cây dược liệu tại huyện Vân Hồ tỉnh Sơn La đó là Giảo cổ lam (10.214,68 ha), Đương quy (2.892,82 ha). Đây là cơ sở khoa học để thời gian tới các địa phương tiếp tục khai thác tiềm năng duy trì, mở rộng diện tích vùng trồng dược liệu hướng tới hình thành vùng trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO khác với phương pháp canh tác truyền thống.

Tuy nhiên do đây là đối tượng cây trồng mới đòi hỏi kỹ thuật, thời gian chăm sóc, thu hoạch cao hơn, người dân mới trồng nên việc vận động người dân áp dụng kỹ thuật và chăm sóc đúng quy trình còn gặp nhiều khó khăn. Để tiếp tục thực hiện phát triển mở rộng diện tích cây dược liệu và tiến tới đưa huyện Vân hồ và Mộc Châu trở thành một vùng trọng điểm dược liệu của tỉnh. Đồng thời, tỉnh Sơn La cần tiếp tục tạo những cơ chế chính sách trong việc phát triển trồng dược liệu tại các địa phương; Cùng với đó thực hiện tốt vấn đề liên kết 4 nhà trong sản xuất; thực hiện quy hoạch gắn với thế mạnh của từng tiểu vùng khí hậu để trồng những loại cây dược liệu phù hợp để cây dược liệu trở thành cây trồng mang lại thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân.

                                                                               Ánh Nguyệt

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 6T1, Trụ Sở HĐND-UBND tỉnh và một số sở, ngành, Khu Quảng trường Tây
Bắc, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Xây dựng và quản trị: Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Điện thoại: 02123.852.224 - Fax: 02123.852.791
Website: sokhoahoc.sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang